Ngày đăng: 16/08/2022

Ngày cập nhật: 16/08/2022

Tác giả: Phạm Hoa

Trang chủ » Cẩm nang phụ huynh » Dạy con trai ở tuổi dậy thì – lưu ý quan trọng bố mẹ cần ghi nhớ

Dạy con trai ở tuổi dậy thì – lưu ý quan trọng bố mẹ cần ghi nhớ

Ngày đăng: 16/08/2022

Ngày cập nhật: 16/08/2022

Tác giả: Phạm Hoa

Đối với các bé trai, dậy thì bắt đầu từ khoảng 11 đến 13 tuổi và kéo dài trong vài năm. Đây là khoảng thời gian rất quan trọng, không chỉ đối với bản thân các em mà còn là vấn đề bố mẹ cần đặc biệt quan tâm. Khi dạy con trai ở tuổi dậy thì, phụ huynh nên lưu ý về thái độ và phương pháp chia sẻ với con, cách giáo dục giới tính hay rèn luyện các thói quen tích cực,… Bố mẹ hãy cùng tìm hiểu cụ thể những vấn đề này trong bài viết dưới đây nhé!

1. Đặc điểm tâm sinh lý của con trai tuổi dậy thì

Bước vào tuổi dậy thì, các chàng trai sẽ phải trải qua những biến đổi về thể chất, cảm xúc, sinh lý và nhận thức để chuyển tiếp giữa hai giai đoạn “trẻ con” và “người lớn”. 

1.1. Thay đổi thể chất

Các chàng trai tuổi teen gần như sẽ có sự “lột xác” về thể chất chỉ trong vài năm dậy thì. Các em thường có những đặc điểm như sau:

  • Ngực vai to rộng hơn, cơ thể trở nên vạm vỡ, khung xương phát triển nhanh
  • Chiều cao tăng nhanh, có thể tăng từ 9-13cm trong vòng 1 năm
  • Lông ở khu vực nhạy cảm và lông nách bắt đầu xuất hiện với màu sẫm và thô cứng
  • Râu mọc ở cằm, quanh miệng và có thể ở hai bên quai hàm.
  • Có thể bắt đầu xuất hiện mùi cơ thể
  • Chất nhờn tiết ra, da dễ bị mụn trứng cá
  • Giọng nói trở nên trầm hơn
  • Kích thước tinh hoàn và bộ phận nhạy cảm tăng lên

Đến tuổi dậy thì, thể chất của con trai sẽ có nhiều sự thay đổi.

1.2. Thay đổi sinh lý

Đi cùng với sự phát triển về thể chất, sinh lý của các bé trai thời điểm này cũng có những thay đổi đặc biệt. Tinh hoàn, túi tinh và tuyến tiền liệt bắt đầu sản xuất tinh dịch chứa tinh trùng, “cậu nhỏ” cứng ngoài ý muốn và hiện tượng xuất tinh diễn ra, thường là vào ban đêm.

1.3. Thay đổi tâm lý

Tâm lý của các chàng trai ở giai đoạn tuổi dậy thì thường rất phức tạp. Nó là sự giao thoa của một “bé trai” và một “người đàn ông”. Cụ thể, dưới đây là một số sự thay đổi tiêu biểu trong tâm lý của các em:

  • Các em muốn làm người lớn, thích tự do và làm nhiều điều mình thích
  • Giao lưu, sinh hoạt với bạn bè nhiều hơn, muốn thoát khỏi sự bao bọc của gia đình
  • Thích thể hiện cái tôi, thích thể hiện sự nam tính mạnh mẽ, muốn khẳng định bản thân trước nhiều người
  • Tình cảm khác giới xuất hiện, muốn được khám phá, tìm hiểu về bạn khác giới nhiều hơn

Tâm lý thay đổi khiến các bé trai có xu hướng ngang bướng và khó nghe lời bố mẹ hơn.

2. 7 lưu ý khi dạy con trai ở tuổi dậy thì

Việc diễn ra những thay đổi lớn về thể chất, sinh lý và tâm lý có thể khiến các em lúng túng và khó xử nhưng lại ngại ngùng, ít chịu chia sẻ với bố mẹ. Thậm chí một số trường hợp còn ương bướng, khó nghe lời. Phụ huynh có thể nhận thấy một số phương pháp giáo dục tại nhà không còn hiệu quả như trước nữa. Vì con đang thay đổi, nên bố mẹ cũng nên thay đổi. Phụ huynh có thể tham khảo một vài lưu ý dưới đây khi dạy con trai tuổi dậy thì. 

2.1. Vấn đề nên nói với con trai về tuổi dậy thì

Cha mẹ nên chia sẻ với con những kiến thức quan trọng để con hiểu về tuổi dậy thì như tuổi dậy thì là gì, khi nào con trai bắt đầu dậy thì, cách để vượt qua tuổi dậy thì, điều gì sẽ đến với các bé trai tuổi dậy thì,… Phụ huynh có thể tìm hiểu về những nội dung này thông qua sách báo hoặc internet, kết hợp với kinh nghiệm mình từng trải qua rồi chia sẻ cho con trai. Các chàng trai có thể được học về tuổi dậy thì ở trường, nhưng sẽ gần gũi và dễ hiểu hơn nhiều nếu các em được chính bố mẹ hướng dẫn về những điều đó.

Các em sẽ tiếp thu những kiến thức quan trọng về tuổi dậy thì tốt hơn nhờ bố mẹ.

2.2. Trò chuyện – cách tốt nhất để dạy con trai hiểu về tuổi dậy thì

Trong thời đại công nghệ thông tin, các con sẽ thường xuyên tra cứu những thắc mắc của mình trên mạng. Nhưng trong hàng trăm nghìn kết quả trả về trên Google với chất lượng “vàng thau lẫn lộn”, các chàng trai sẽ khó tìm được câu trả lời chuẩn chỉnh, thậm chí các em sẽ càng thêm hoang mang, bối rối, dẫn đến suy nghĩ và hành động sai lệch . Vì thế, bố mẹ – với tư cách là người từng trải –  nên chia sẻ cởi mở để giải đáp cho các em. 

Ngoài ra, khi trò chuyện cùng con, bố mẹ hãy cố gắng lắng nghe con bằng cả trái tim và trở thành một người bạn của con. Người bố nên lấy kinh nghiệm về tuổi dậy thì của mình để trấn an và cho con lời khuyên. 

Khi các em đặt ra câu hỏi hay nêu lên vấn đề của mình, bố mẹ phải thật bình tĩnh, đừng để cảm xúc chiếm ưu thế. Sự tức giận, thất vọng của các bậc phụ huynh có thể khiến trẻ càng thu mình và không muốn chia sẻ thêm. Bên cạnh đó, sau khi trò chuyện để hiểu nhau hơn, bố mẹ hãy cho các em thời gian để tiếp nhận thông tin và giải quyết vấn đề.

Những kinh nghiệm chia sẻ từ bố sẽ rất hữu ích để con trai vượt qua tuổi dậy thì thành công.

2.3. Thời điểm tốt nhất để trò chuyện với con trai về tuổi dậy thì

Trò chuyện với con trai trong tuổi dậy thì là biện pháp tốt để bố mẹ khéo léo dạy các em. Nhưng phụ huynh cũng cần chú ý về thời điểm để bắt đầu cuộc trò chuyện với con:

  • Thời điểm nên: 
  • Lúc các cậu bé bắt đầu đặt câu hỏi về bản thân các em ở tuổi dậy thì. Đây là lúc con có nhu cầu tìm hiểu, tò mò, thoải mái và sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những kiến thức và kinh nghiệm bố mẹ truyền đạt. 
  • Lúc các em đang trong cuộc trò chuyện riêng tư với bố mẹ. Trong không gian riêng, các em dễ dàng và cởi mở chia sẻ những băn khoăn và vấn đề mà bản thân gặp phải hơn. Bố mẹ cũng có thể trò chuyện với trẻ khi đang cùng làm một điều gì đó như chơi trò chơi, đi bộ, chuẩn bị bữa ăn. Khi vừa làm vừa nói chuyện, các em sẽ cảm thấy thoải mái hơn.
  • Thời điểm không nên: Bố mẹ không nên nói về tuổi dậy thì với con ở chốn đông người, có mặt nhiều người. Vì tuổi dậy thì là lứa tuổi rất dễ xấu hổ. Trong trường hợp có nhiều người, các cậu bé sẽ ngại đặt câu hỏi, không sẵn sàng lắng nghe lời dạy của người lớn.

Trong các cuộc trò chuyện riêng tư, bố có thể dễ dàng chia sẻ và lắng nghe những vấn đề của con.

2.4. Chú trọng giáo dục giới tính và tình dục cho con 

Đây là nội dung cần được cha mẹ đặc biệt quan tâm khi dạy con trai ở tuổi dậy thì. Bởi ở độ tuổi này, các em sẽ cực kỳ tò mò với các chuyện về giới tính và tình dục. Nếu bố mẹ cố tình lờ đi vì cho rằng đó là vấn đề nhạy cảm, các bạn trai có thể sẽ tự tìm hiểu và nhận lại những kết quả rủi ro.

Bố mẹ có thể giáo dục giới tính cho con thông qua những cuộc trò chuyện thoải mái và cởi mở. Đồng thời, bố mẹ cũng hãy cố gắng giữ thái độ nhẹ nhàng, chân thành và kiên trì. Điều này sẽ khiến các chàng trai mới lớn lắng nghe và tiếp thu tốt hơn. Phụ huynh nên tránh thái độ quá nghiêm khắc hay áp đặt vì sẽ tạo cho trẻ không gian tù túng, khó chịu, gây tâm lý căng thẳng. Dưới đây là những nội dung bố mẹ có thể chia sẻ cho con:

  • Cha mẹ nên dạy cho con trai về bộ phận riêng tư:
  • Tên gọi của các bộ phận riêng tư 
  • Vùng riêng tư là nơi nhạy cảm, trường hợp nào/ai được phép và không được phép chạm vào vùng riêng tư của con
  • Vùng riêng tư là vùng rất đặc biệt. Khi nói về chuyện này, điều quan trọng nhất là không nên tạo ra cảm xúc kỳ thị, khó chịu, xấu hổ về các bộ phận này.
  • Dạy trẻ trân trọng cơ thể và làm chủ cơ thể: Bố mẹ hãy dạy trẻ hiểu về cơ thể trẻ và quyền tự chủ, lòng tự trọng, để trẻ hiểu và có trách nhiệm trước bất cứ hành vi xâm phạm nào của người khác.
  • Bố mẹ cần dạy con thật sâu và hoàn chỉnh về các vấn đề lệch lạc giới, vấn đề phá thai, các biện pháp phòng tránh thai, vấn đề yêu sớm, các tác hại của phim sex và những vấn đề khác. Để dạy con tránh xa phim sex, tránh xa quan hệ tình dục trước tuổi vị thành niên, cha mẹ rất cần cho con tham khảo hình ảnh của hậu quả để cảnh báo cho các em biết và không làm những việc đó.

Giáo dục giới tính là vấn đề mà bố mẹ nên đặc biệt chú trọng khi dạy con trai ở tuổi dậy thì.

2.5. Rèn thói quen tích cực cho con 

Bố mẹ có thể rèn cho con một số thói quen tích cực như: 

  • Thói quen đặt ra quy tắc về sự an toàn, thời gian chơi, giải trí: Bố mẹ nên đưa ra lý do cho các quy định này và chỉ nên áp dụng khi có sự đồng ý của các em. Đồng thời, bố mẹ cũng nên đưa ra những hậu quả khi vi phạm các quy tắc. Tuy nhiên, cha mẹ nên tránh trừng phạt quá nghiêm khắc khi trẻ làm sai hoặc có hành vi không tốt vì có thể khiến trẻ cảm thấy bực bội, khó chịu và ngày càng xa lánh bố mẹ.
  • Thói quen chịu trách nhiệm với những gì mình làm: Phụ huynh hãy giáo dục trẻ về tinh thần chịu trách nhiệm do những hành vi mình gây nên, cho dù hành động xấu hay tốt. Ví dụ, khi phạm lỗi, thay vì đùn đẩy trách nhiệm hay nói dối, con nên tập thói quen nhận lỗi và tự đề xuất các biện pháp để khắc phục hậu quả mình gây ra. 
  • Thói quen tự lập, tự chủ khi chăm sóc bản thân: Khi đến tuổi dậy thì, mối quan hệ giữa mẹ và con trai cũng cần có những ranh giới thích hợp để trẻ trở nên độc lập và không quá phụ thuộc. Bố mẹ đừng thường xuyên làm thay con những việc chăm sóc cá nhân mà hãy hướng dẫn các em tự làm điều đó. 
  • Thói quen cư xử tôn trọng, lịch thiệp với mọi người xung quanh: Nếu muốn con trai biết thể hiện sự tôn trọng đối với mọi người thì không gì tốt hơn là việc cha mẹ làm gương tốt để con học theo. Trước tiên, phụ huynh nên thể hiện sự tôn trọng với các con của mình. Đây cũng là cách tốt nhất để giúp cha mẹ phát triển mối quan hệ thân thiết với một chàng trai tuổi teen.

Các thói quen tích cực giúp ích rất nhiều cho sự trưởng thành sau này của các chàng trai.

2.6. Khuyến khích con bày tỏ suy nghĩ, thắc mắc với bố mẹ

Phụ huynh cũng nên khuyến khích con bày tỏ suy nghĩ, thắc mắc để thấu hiểu nhau hơn. Việc giao tiếp cởi mở trong gia đình mang lại lợi ích hai chiều cho cả chàng trai và cả bố mẹ:

  • Với con: Các em có cơ hội được bố mẹ lắng nghe, được tìm hiểu về tuổi dậy thì của mình, khiến tinh thần vui vẻ hơn, cảm thấy gắn bó với bố mẹ hơn.
  • Với bố mẹ: Có cơ hội trò chuyện, lắng nghe và đưa ra lời khuyên, định hướng suy nghĩ và hành động đúng đắn cho con. Đồng thời, các cậu bé sẽ thấu hiểu và cảm thông cho bố mẹ nhiều hơn.

2.7. Đối xử với con trai như một người đàn ông

Các chàng trai trong tuổi dậy thì thường có tâm lý muốn là người lớn, mạnh mẽ và trưởng thành. Vì thế, bố mẹ hãy bắt đầu đối xử với con trai như một người đàn ông để em được cảm thấy được tôn trọng và khẳng định. Ví dụ, mẹ hãy giao cho con những việc khó làm hoặc nhờ cậu bé giúp bạn nhiều việc nặng mà trước đây chỉ thuộc về bố. Mẹ có thể để con tự làm các công việc được giao thay vì vội vàng trợ giúp như trước kia.

Ngoài ra, việc đối xử với con như một người đàn ông còn nằm ở cách bố mẹ tạo không gian để con có thể tự lập, thẳng thắn trao đổi về các vấn đề xoay quanh cuộc sống của con, lắng nghe, thấu hiểu, tôn trọng ý kiến và các quyết định của con.

*

Bước vào tuổi dậy thì, các chàng trai có sự thay đổi lớn về mặt thể chất và tâm sinh lý. Do đó, bố mẹ nên hiểu rõ những đặc điểm này để có phương pháp dạy con trai ở tuổi dậy thì phù hợp nhất. Hãy trò chuyện cởi mở và giáo dục giới tính cho con, rèn cho các em các thói quen tích cực để qua thời kỳ dậy thì này, các chàng trai sẽ trở thành những người đàn ông mạnh mẽ và trưởng thành bố mẹ nhé!

 

 

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 6, 7 VÀ LỚP 10 NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh