Ngày đăng: 26/03/2022

Ngày cập nhật: 26/03/2022

Tác giả: Phạm Hoa

Trang chủ » Bản tin FSchools » Hơn 600 Phụ huynh đồng hành cùng FSchools Hải Phòng giúp con vượt qua đại dịch

Hơn 600 Phụ huynh đồng hành cùng FSchools Hải Phòng giúp con vượt qua đại dịch

Ngày đăng: 26/03/2022

Ngày cập nhật: 26/03/2022

Tác giả: Phạm Hoa

Suốt hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra những ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ và tâm lý của con người. Dù chúng ta đã có những biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt và tuân thủ việc tiêm vắc xin theo chỉ đạo của Bộ Y tế nhưng những hậu quả mà covid-19 để lại vẫn đang hiện hữu rất rõ, đặc biệt đối với trẻ em. 

Nhằm giúp Quý phụ huynh tháo gỡ những lo lắng, thắc mắc và trang bị kiến thức y khoa cơ bản giúp con vượt qua mùa dịch, Trường THCS và THPT FPT Hải Phòng đã tổ chức FSchool Talk “Sức khoẻ và tâm lý học đường – cùng con vượt qua đại dịch”. Với chủ đề nóng, nội dung thiết thực, sự kiện đã thu hút hơn 600 phụ huynh tham gia theo dõi trực tiếp trên sóng livestream tại fanpage của trường.

Tại đây, 2 chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực tâm lý và sức khoẻ gồm: PGS.TS Trần Thành Nam – Chuyên gia tâm lý, Giảng viên Đại học Giáo dục và Ths.Bác sĩ Đới Ngọc Anh – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã mang đến những chia sẻ hữu ích nhất cho phụ huynh để bảo vệ sức khoẻ, cân bằng tâm lý cho con. 

Sức khoẻ – vết thương hiện hữu

Ho, sốt, đau đầu hay tức ngực, khó thở…là những tác động rõ nhất mà covid-19 gây ra cho sức khoẻ con người. Đây đều là những dấu hiệu được bộc lộ ra bên ngoài mà ba mẹ có thể thấy đầu tiên và rõ nhất ở con mình khi mắc covid-19 hay hậu covid. Tuy đây là vết thương hiện hữu rõ nhưng nếu không có phương án điều trị kịp thời, chắc hẳn cũng sẽ để lại những di chứng về sức khoẻ, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. 

Chia sẻ tại chương trình, Bác sĩ Đới Ngọc Anh cho biết “Trẻ nhiễm covid thường khá nhẹ nhưng không vì thế mà chủ quan. Riêng đối với trẻ có bệnh nền thì lại đặc biệt cần được quan tâm. Bản chất Covid-19 chính là một con virus và nó cần có thời gian từ khởi bệnh, phát bệnh và lui bệnh chứ không có 1 loại thuốc thần dược nào có thể điều trị khỏi hết các triệu chứng. Ba mẹ đừng nên quá hoang mang, căng thẳng khi so sánh triệu chứng của con với các em bé ở gia đình khác. Sốt là dấu hiệu ban đầu mà hầu hết các virus gây ra không riêng gì covid-19. Chính vì vậy, ba mẹ nên theo dõi con để nắm bắt được sự tiến triển của bệnh, từ đó áp dụng những kiến thức y khoa để điều trị.”

Không chỉ trang bị cho phụ huynh những kiến thức y khoa cơ bản trong việc phòng chống và điều trị covid ở trẻ em, bác sĩ còn nhắn gửi những lưu ý đặc biệt dành cho ba mẹ khi chăm sóc con. “Một chú ý cho ba mẹ đó là, khi hạ sốt cho con ngoài sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ thì ba mẹ nên kết hợp biện pháp cơ học để hạ nhiệt. Tuy nhiên, hạ thân nhiệt không phải ủ nóng, không đắp trán bằng khăn lạnh, khăn đá mà phải dùng khăn ấm để đắp vào những vùng có mạch máu lớn đi qua như nách, bẹn giúp tản nhiệt từ đó, tránh gây nguy hiểm cho con”, bác sĩ Ngọc Anh nhấn mạnh.

Về cơ bản, dịch đã và đang dần được kiểm soát, trường học cũng như các lĩnh vực khác cũng sẽ hoạt động trở lại trong thời gian tới. Đây vừa là điều đáng mừng song cũng là đáng lo đối với ba mẹ khi con quay trở lại trường. Vậy làm sao để giúp con có lá chắn an toàn trước tác động của covid-19 đến sức khoẻ? Câu hỏi này được đông đảo quý phụ huynh đưa ra tại sự kiện và đã được bác sĩ tư vấn, hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Trong đó, điều chú trọng nhất mà bác sĩ Ngọc Anh mong ba mẹ nên đặt lên hàng đầu đó là, “Khi chúng ta chưa biết gì về covid-19 thì sẽ cảm thấy hoang mang nhưng sau buổi trò chuyện hôm nay ba mẹ hãy tự tin chăm sóc cũng như theo dõi sức khoẻ của con. 2 năm đại dịch diễn ra cũng chính là thời gian để chúng ta nghiên cứu về loại virus này để có được phương pháp điều trị phù hợp, biết được hiệu quả của vacxin vì vậy ba mẹ không nên quá hoang mang, lo lắng khi con không may bị nhiễm. Bởi sẽ không có ai bị bỏ lại phía sau, ba mẹ luôn luôn có hệ thống y tế xung quanh để hỗ trợ.”

Tâm lý – vết thương vô hình

Bên cạnh sức khoẻ thì tâm lý của các con cũng bị ảnh hưởng rất nhiều do thời gian học tập online kéo dài, các con không được đến trường, không được tham gia các hoạt động vui chơi… Về lâu dài những tác động này sẽ hằn sâu tạo nên vết thương tâm lý mà vô hình ba mẹ không thể phát hiện sớm, thậm chí không nhận ra. 

Đôi khi ba mẹ nghĩ, chỉ cần thường xuyên nói chuyện với con, cho con những vật chất mà con muốn sẽ giúp con ổn định, thế nhưng rất nhiều thực tế đã chứng minh điều này không đủ để cân bằng tâm lý cho con.

Chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam chia sẻ, “Đại dịch covid-19 đã để lại những hậu quả về tâm lý mà chúng ta không thể đảo ngược được. Mức ảnh hưởng này tuỳ thuộc vào độ tuổi của con để xem xét nặng hay nhẹ. Qua quan sát, các bạn nhỏ lớp 1-2 trong thời gian qua về mặt ngôn ngữ bị hạn chế hơn do không được giao tiếp trực tiếp với mọi thứ xung quanh, tỉ lệ có vấn đề về mắt ở học sinh cũng tăng mạnh. Theo số liệu thống kê của tháng 8/2021 tỉ lệ lo âu ở tuổi đi học tăng lên gấp 7 lần so với bình thường, trầm cảm tăng lên từ 4-5 lần, ở nhóm lớn hơn có bạn có suy nghĩ tự làm tổn thương mình…”

Diễn biến chậm nhưng để lại hậu quả khôn lường là những tác động của covid-19 đến tâm lý của trẻ. Nhằm giúp phụ huynh yên tâm hơn trong tình hình dịch bệnh hiện tại, đặc biệt khi con quay trở lại trường học, chuyên gia tâm lý Thành Nam đã đưa ra biện pháp giúp con cân bằng “Ba mẹ nên cần bằng được 4 trụ cột gồm: Thể chất – Con khoẻ thì tinh thần mới khoẻ; Cảm xúc – Kiểm soát và ổn định tinh thần; Xã hội – Tự tin đối diện với mọi tình huống và Nhận thức – Lạc quan vượt qua dịch bệnh. Cùng với đó, ba mẹ cũng chính là liều thuốc để giúp con ổn định tinh thần, vượt qua đại dịch”.

Trong điều kiện bình thường mới, tình hình giãn cách xã hội cũng đã bớt căng thẳng ba mẹ có thể cùng con rèn luyện lại những thói quen tích cực như: đi công viên, nhà sách, chơi một số môn thể thao để rèn luyện thể chất…, chuyên gia cho biết thêm.

 

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 6, 7 VÀ LỚP 10 NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh