Ngày đăng: 14/08/2022
Ngày cập nhật: 14/08/2022
Tác giả: Phạm Hoa
Dạy con tuổi dậy thì như thế nào – Bí kíp và sai lầm cần tránh
Ngày đăng: 14/08/2022
Ngày cập nhật: 14/08/2022
Tác giả: Phạm Hoa
Tuổi dậy thì là quãng thời gian nhạy cảm và khó khăn đối với bố mẹ khi dạy con. Nếu không nắm bắt được đặc điểm của giai đoạn phát triển này, bố mẹ sẽ không xác định được phương pháp dạy con phù hợp. Bài viết dưới đây sẽ trình bày sự thay đổi của con trẻ “tuổi ẩm ương” và trả lời câu hỏi mà đa số phụ huynh đặt ra – dạy con tuổi dậy thì như thế nào?
Nội dung
1. Sự phát triển và thay đổi của con ở tuổi dậy thì
Ở tuổi dậy thì, con sẽ có sự thay đổi lớn về mặt thể chất, nhận thức, cảm xúc và vận động, tri giác. Để thấu hiểu và trở thành một người bạn sẻ chia, tâm sự với con, phụ huynh nên hiểu rõ giai đoạn này.
1.1. Sự phát triển và thay đổi về thể chất
Một đặc điểm rõ ràng nhất để nhận ra tuổi dậy thì của con đã “gõ cửa” là chiều cao, cân nặng của con tăng lên một cách nhanh chóng, đi kèm với đó là các đặc trưng giới tính. Bé gái sẽ có “kỳ đèn đỏ”, bé trai sẽ bắt đầu mọc râu và giọng nói trở nên nam tính, ồm hơn.
Chiều cao là một yếu tố nhận biết giúp bố mẹ dễ nhận ra con đã đến tuổi dậy thì.
1.2. Sự phát triển và thay đổi về nhận thức
Bên cạnh sự phát triển về thể chất, các con còn thay đổi về nhận thức một cách mạnh mẽ. Não bộ, suy nghĩ và khả năng phán đoán, phân tích sẽ tiến bộ hơn rất nhiều.
1.3. Sự phát triển và thay đổi về cảm xúc
Trái ngược với khi còn nhỏ, ở tuổi dậy thì, trẻ không còn phụ thuộc vào bố mẹ, ông bà mà sẽ phát triển những mối quan hệ quan hệ xã hội để tìm hiểu thế giới bên ngoài, chủ yếu là bạn bè. Cảm xúc cũng sẽ phát triển một cách đa dạng và phức tạp hơn.
Giai đoạn này không nên ngăn cấm trẻ làm những gì trẻ muốn bởi cảm xúc có phần nhạy cảm. Phụ huynh cần ở bên trẻ, chia sẻ và phân tích để giúp con xây dựng bản thân một cách tích cực nhất.
Dậy thì hay được nhắc đến với tên gọi “tuổi nổi loạn” vì cảm xúc của trẻ có sự biến động rất lớn.
1.4. Sự phát triển và thay đổi về vận động và cảm giác
Giai đoạn dậy thì là lúc não bộ đang thích nghi với sự thay đổi của cơ thể nên trẻ có xu hướng e ngại và dè dặt hơn. Lời khuyên chính là nên lựa chọn các hoạt động và bộ môn thể thao để vận động và rèn luyện thể chất, làm quen với sự thay đổi của bản thân.
2. bí kíp dạy con tuổi dậy thì
2.1. Cha mẹ đặt ra nguyên tắc cho chính mình
Muốn dạy con ở độ tuổi này, trước tiên cha mẹ phải tự “giáo dục” chính mình, đặt ra nguyên tắc cho mình trong quá trình giao tiếp, dạy dỗ con cái. Đầu tiên là học cách kiềm chế cơn nóng giận khi con phạm lỗi và thứ hai là làm rõ nguyên nhân, trò chuyện để giúp con tự nhận ra lỗi sai của mình.
Mỗi đứa trẻ sẽ có tính cách và hướng giải quyết riêng, thể hiện rõ nhất trong độ tuổi dậy thì. Bạn mất kiềm chế, nặng lời và la mắng trẻ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của con. Hãy bình tĩnh, cùng ngồi lại để phân tích để trẻ biết mình đã sai. Lòng bao dung vị tha với những đứa con của mình không bao giờ là dư thừa. Đó cũng là phương pháp tối ưu để cảm hóa trẻ trong độ tuổi nhạy cảm nhất.
Việc cha mẹ thường xuyên tỏ thái độ bực dọc và to tiếng sẽ không đem lại kết quả tốt trong quá trình nuôi dạy con trẻ ở tuổi dậy thì.
2.2. Xây dựng thói quen và kỷ luật cho con, có khen có phạt rõ ràng
Ở độ tuổi dậy thì, trẻ sẽ trở nên nhạy cảm và có những biến đổi bất thường trong tâm lý. Trẻ sẽ có xu hướng tự quyết định cho bản thân nhiều hơn là phụ thuộc vào bố mẹ như ngày nhỏ. Chính vì vậy, cha mẹ nên xây dựng cho con một bộ quy tắc nhưng không quá cứng nhắc bởi khi áp đặt và ép buộc thì rất dễ bị phản tác dụng.
Khen thưởng và phạt rõ ràng cùng những lý do thuyết phục sẽ giúp con hình thành tính kỷ luật và thói quen hằng ngày. Hơn nữa, khi được thưởng trẻ cũng sẽ có nhiều động lực để cố gắng và phấn đấu hơn.
Chẳng hạn, vệ sinh răng miệng trước khi đi ngủ là một ví dụ về thói quen kỷ luật. Trẻ vừa ăn vừa chơi sẽ bị nhắc nhở, nhưng biết tự giác dọn dẹp phòng ốc gọn gàng sẽ được tán dương là một vài ví dụ điển hình cho những tình huống cần khen – phạt rõ ràng.
Để xây dựng được thói quen kỷ luật và thưởng phạt cho con, bố mẹ cần quan sát, quan tâm hành động, cảm xúc hằng ngày của con. Quan trọng hơn hết là hãy bình tĩnh giảng giải cho con tầm quan trọng của thói quen kỷ luật và chỉ dẫn cho con vì sao con sai, phải sửa như thế nào khi phạt con. Ngoài ra, hãy hạn chế dùng bạo lực mà nên dùng lời nói để thuyết phục và giải thích cho con hiểu.
Đánh răng trước khi đi ngủ cũng là thói quen kỷ luật mà bố mẹ nên tạo ra cho con.
2.3. Dành thời gian lắng nghe tâm tư của con
Lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của con cũng là một trong những vấn đề luôn được bàn luận. Khi phụ huynh dành thời gian chia sẻ, tâm sự, trẻ sẽ mở lòng và thấu hiểu cha mẹ hơn và có những quyết định phù hợp hơn.
Song song với đó, khi có cái nhìn thoáng hơn về suy nghĩ của con, bố mẹ cũng sẽ thoải mái và không cần quá bận tâm để rồi đặt con vào một khuôn khổ gượng ép. Tất nhiên là khi chấp nhận nguyện vọng của con, bố mẹ cũng đã đặt ra giới hạn và xem xét mức độ phù hợp đối với các yêu cầu của con. Hãy tránh trường hợp không phản hồi, không định hướng vì như vậy có thể khiến trẻ bị hụt hẫng và nổi loạn hơn.
Không chỉ có mẹ, bố cũng hãy chia sẻ và tâm sự với con để san sẻ gánh nặng dạy con.
2.4. Cởi mở giải thích về sự thay đổi thể chất, tâm sinh lý của con
Không ít bậc cha mẹ e ngại hoặc không muốn giáo dục con về vấn đề sinh lý, tâm lý tuổi dậy thì khiến cho trẻ hoài nghi, bối rối và không biết xử lý như thế nào. Hãy cởi mở, giải thích cho con về sự thay đổi thể chất, tâm sinh lý để con sẵn sàng đón nhận sự phát triển của cơ thể mà không lo sợ điều gì.
Đối với con gái tuổi dậy thì, hãy cho con biết về kỳ nguyệt san đầu tiên, cơ thể con sẽ có sự thay đổi về kích thước vòng 1. Hãy hướng dẫn con cách sử dụng những thứ hữu ích cho kỳ kinh nguyệt và đảm bảo chúng luôn ở bên con khi “ngày đèn đỏ” tới. Bên cạnh đó, nếu con đau bụng, mẹ có thể gợi ý con uống trà gừng, chườm túi sưởi,… và chọn chế độ dinh dưỡng khoa học để kỳ kinh nguyệt trôi qua một cách ổn định.
Đối với con trai, thay đổi của con là ở giọng nói, mùi cơ thể, bã nhờn, mụn, kích thước “cậu bé” và hiện tượng xuất tinh thường diễn ra vào ban đêm. Để tránh trường hợp trẻ xấu hổ, bố nên là người chỉ dẫn, giải thích cho bé trai về những vấn đề đó, làm sao để con hiểu đó là dấu hiệu tự nhiên của tuổi dậy thì và dễ dàng vượt qua những vấn đề đó.
Hãy cởi mở với con về những vấn đề tâm sinh lý tuổi dậy thì để hướng dẫn con cách giải quyết những vấn đề nhạy cảm nhất.
2.5. Gợi ý lựa chọn, định hướng suy nghĩ và hành động của con theo hướng tích cực
Phụ huynh nên quan sát và lắng nghe trẻ và định hướng cho trẻ hành vi mang hướng tích cực, bởi ở độ tuổi dậy thì, trẻ vẫn đang phát triển và hoàn thiện nhận thức. Nói cách khác, thời điểm này trẻ dễ khủng hoảng và nổi loạn, sẽ dễ mất phương hướng và có những suy nghĩ, hành động tiêu cực.
Lời khuyên của cha mẹ chính là chìa khóa giúp trẻ đơn giản hóa nhiều sự việc. Đó còn là cách hình thành khả năng thích ứng và giải quyết khó khăn, khủng hoảng của trẻ ở tuổi dậy thì cũng như cuộc sống tương lai. Ngoài ra, luôn đồng hành cùng mỗi bước con đi chính là thể hiện sự yêu thương bằng hành động, không chỉ dừng lại ở lời nói.
Ví dụ như con đang có xích mích với bạn học, thay vì kích động con gây thù hằn thêm với bạn, hãy gợi ý cho con về cách giải quyết mâu thuẫn bằng lời nói hoặc nhờ bên thứ 3 làm “quan tòa”. Việc này sẽ giúp tránh được những rắc rối xảy ra trong tương lai, cũng như giúp con có thêm kinh nghiệm trong việc giải quyết khủng hoảng.
Bố mẹ nên thường xuyên trao đổi và chia sẻ để nắm bắt được tâm lý của con.
2.6. Tạo điều kiện để con học cách tự lập
Khi bước vào tuổi dậy thì, con trẻ sẽ dần thoát khỏi sự phụ thuộc của cha mẹ và bắt đầu tự khám phá cuộc sống xung quanh. Chính vì vậy, phụ huynh nên để con đưa ra ý kiến và có các quyết định cho bản thân trong giới hạn nhất định mà bố mẹ đặt ra.
Ví dụ, hãy để con tự do sắp xếp bài trí đồ đạc trong phòng, lựa chọn bộ trang phục mà con yêu thích nhất,… Đó chính là cách để con trưởng thành hơn. Sự tự lập ấy là bước đệm để tương lai trẻ có thể phát triển mà không quá ỷ lại, dựa dẫm vào bố mẹ.
3. Sai lầm cần tránh khi dạy con tuổi dậy thì
Không phải ai cũng thành công trong việc dạy con trong lúc chúng đang tuổi dậy thì. Mà hẳn là phần lớn bố mẹ nào cũng đã từng gặp ít nhiều sai lầm như: luôn mang ý nghĩ tiêu cực, đọc quá nhiều sách dạy con cái, quan trọng tiểu tiết,… khiến việc giáo dục con trở nên khó khăn.
- Kỳ vọng tiêu cực, luôn nghĩ về tình huống xấu: Đây là tình trạng phổ biến khi bố mẹ quá lo lắng về con và xã hội ngày càng phức tạp, dẫn đến bị ám ảnh vấn đề “con thường sẽ hư vào giai đoạn dậy thì”. Thay vì như vậy, bố mẹ hãy quan tâm con hơn, để ý đến sở thích của con, điều đó sẽ giúp bố mẹ cởi bỏ được nút thắt tâm lý để thoải mái với con hơn.
- Đọc quá nhiều sách về nuôi dạy con cái: Thay vì lựa chọn tin tưởng vào bản thân mình, lắng nghe con và nhìn nhận tình hình thực tế để giáo dục con, không ít bố mẹ lại đọc và phụ thuộc quá nhiều vào sách vở hướng dẫn nuôi dạy con cái. Phụ huynh thường áp dụng hết phương pháp này đến phương pháp khi không đạt hiệu quả như mong muốn mà không quan tâm tới tâm lý và hành động của con. Điều này sẽ vô tình làm phản tác dụng và khiến bố mẹ hoang mang và lúng túng hơn trong cách dạy con. Không có gì tốt hơn bằng việc bố mẹ lắng nghe con trẻ, đánh giá tình hình thực tế của con mình và chọn con đường phù hợp mà không cần gượng ép theo sự chỉ dẫn của sách vở.
Thay vì nghi ngờ và kỳ vọng tiêu cực vào con trẻ, bố mẹ hãy tin tưởng và có cái nhìn tích cực về sự thay đổi của con ở tuổi dậy thì.
- Quá xét nét tiểu tiết không quan trọng: Trước khi tỏ thái độ hay muốn phàn nàn về vấn đề gì đó, hãy quan sát tổng thể và tìm hiểu hoàn cảnh của con, xác định đâu là vấn đề quan trọng nên nói và đâu là vấn đề vụn vặt. Như vậy, bố mẹ sẽ dễ cảm thông và thấu hiểu cho con hơn.
******
Dạy con tuổi dậy thì như thế nào luôn là một bài toán khó mà không phải bố mẹ nào cũng giải được. Hãy bình tĩnh lắng nghe tâm tư, cảm xúc của con, cẩn thận đánh giá tình huống thực tế để thấu hiểu và đưa ra những lời khuyên tích cực trong mọi suy nghĩ, hành động của con bố mẹ nhé!
Chuyên mục: Cẩm nang phụ huynh
Tin cùng chuyên mục