Ngày đăng: 20/04/2022

Ngày cập nhật: 20/04/2022

Tác giả: Phạm Hoa

Trang chủ » Cẩm nang học sinh » [CẨM NANG] Cách thi vào 10 đạt điểm cao áp dụng cho 3 môn cố định

[CẨM NANG] Cách thi vào 10 đạt điểm cao áp dụng cho 3 môn cố định

Ngày đăng: 20/04/2022

Ngày cập nhật: 20/04/2022

Tác giả: Phạm Hoa

Toán – Văn – Ngoại ngữ là 3 môn thi cố định cho kỳ thi lên cấp 3 năm nay. Phần lớn nội dung đề thi là các câu hỏi liên quan kiến thức cơ bản, chiếm 7-8 điểm, còn lại là câu hỏi nâng cao, quyết định điểm 9-10. Ở bài viết sau, trường THCS & THPT FPT Hải Phòng sẽ gợi ý cách thi vào 10 đạt điểm cao dành riêng cho mỗi môn thi. 

1.Cách thi vào 10 đạt điểm cao – môn Toán

Trước khi tìm hiểu cách thi vào 10 đạt điểm 9 – 10 cho môn Toán, học sinh cần nắm rõ thông tin cơ bản về cấu trúc đề thi. Toán học lên cấp 3 thường thi theo hình thức tự luận. Cấu trúc đề thi thường có 5 bài lớn đánh số La Mã. Mỗi bài tập lớn chứa 1 đến 3 ý nhỏ. Bài tập khó dành cho học sinh khá, giỏi thường chiếm 1 – 1,5 điểm. 

1.1. Câu dễ làm trước, câu khó làm sau

Muốn đạt điểm cao môn Toán thì trước tiên, học sinh cần đảm bảo làm tốt ở các câu hỏi cơ bản để nắm chắc điểm 7 – 8. Vì vậy, các em nên giải đề theo nguyên tắc câu dễ làm trước, câu khó làm sau

Đề thi Toán lên cấp 3 thường phân hóa câu hỏi theo 3 mức dễ – trung bình – khó. Mỗi mức đi kèm một mẹo xử lý tương ứng giúp tối ưu hóa thời gian làm bài như sau:

  • Câu hỏi dễ: Với các câu hỏi này, thí sinh có thể đặt bút làm ngay mà không cần nháp hoặc nháp đơn giản thẳng vào đề để tiết kiệm thời gian. 
  • Câu hỏi trung bình: Dạng câu hỏi này chiếm tỷ trọng lớn trong cấu trúc đề thi. Do vậy, thí sinh không nên vội vàng, hãy làm tuần tự và luôn nháp trước để chắc chắn về cách giải và kết quả. 
  • Câu hỏi khó: Sau khi đọc đề, nếu chưa thể nghĩ nhanh và sơ bộ về phương pháp làm bài cho câu hỏi khó, bạn nên tạm thời để lại và xử lý sau cùng. Các em không nên cố tìm lời giải cho các câu hỏi này ngay đầu giờ làm bài, tránh mất quá nhiều thời gian lẫn dễ xuống tinh thần.

Học sinh nên làm câu dễ trước để nắm chắc điểm 7-8, sau đó mới làm câu khó để kiếm điểm 9 – 10 môn Toán.

Trong trường hợp chưa tìm ra ý tưởng giải câu hỏi trung bình và khó sớm, thí sinh có thể áp dụng phương pháp phân tích, tư duy ngược. Dựa vào yêu cầu của bài toán, bạn hãy lập luận ngược lại để dẫn đến các yêu cầu quen hơn, dễ xử lý hơn, sau đó trình bày lời giải xuôi. 

1.2. Phân bổ thời gian hợp lý khi làm bài thi

Một cách thi vào 10 đạt điểm cao môn Toán khác là nên chia thời gian thi thành 3 phần gồm thời gian đọc đề, thời gian làm bài và thời gian kiểm tra lại bài. 

  • Đọc đề: 
    • Sau khi nhận đề từ giám thị, các em nên đọc lướt đề một lần rồi tiếp tục nghiên cứu, xác định mức độ khó dễ của từng câu hỏi. Hãy cầm bút đánh dấu vào các từ và ý quan trọng trong đề, thậm chí ghi lưu ý vào bên cạnh từng câu như ghi điều kiện xác định, phương pháp, ý tưởng giải bài,… 
    • Các sĩ tử hãy cố gắng dành ra 5 – 10 phút đọc đề. Điều này giúp bạn biết được mình nên làm câu nào trước, câu nào sau và quản lý thời gian giải đề một cách hiệu quả.

Muốn xác định mức độ khó – dễ của một câu hỏi, thí sinh nên dành ít nhất 10 phút để đọc kỹ đề bài.

  • Làm bài: Thời gian làm bài nên được phân bổ tương đối dựa trên thang điểm 10. Nếu tổng thời gian làm bài là 120 phút, mất 10 phút đọc đề thì bạn còn 110 phút chia đều cho 10 điểm, tương đương 11 phút/điểm. Từ đó suy ra, bạn nên dành khoảng 20 phút cho bài toán 2 điểm, 15 phút cho bài toán 1,5 điểm, 10 phút cho bài toán 1 điểm và 5 phút cho câu 0,5 điểm. 
  • Kiểm tra lại bài:
  • Kiểm tra, rà soát sau khi làm bài là khâu quan trọng để khắc phục lỗi tính toán. Sau khi làm xong một bài, đừng vội chuyển sang câu hỏi khác ngay mà hãy dành ít nhất 1-2 phút để kiểm tra bài giải vừa thực hiện. 
  • Để chắc chắn, bạn nên kiểm tra mỗi bước biến đổi (làm 2 lần, khai triển rồi thì khai triển lại, chuyển vế xong thì chuyển vế lại) và soi chiếu đáp án với điều kiện, yêu cầu trong câu hỏi. 
  • Sau khi hoàn thiện toàn bộ bài làm, bạn nên tận dụng những phút cuối trước khi kết thúc giờ thi để rà soát bài một lần nữa, không nên ngồi chơi hay ra khỏi phòng thi trước khi hết giờ. 

Muốn tính toán và kiểm soát thời gian theo 3 phần trên, bạn nên chuẩn bị một chiếc đồng hồ kim hoặc đồng hồ điện tử (không được phép dùng đồng hồ thông minh) mang vào phòng thi. 

Hãy mang theo một chiếc đồng hồ kim hoặc đồng hồ điện tử để căn giờ giấc làm bài chuẩn chỉnh hơn.

1.3. Nên vẽ nháp đối với câu toán hình

Hình học là chuyên đề quan trọng không thể thiếu trong đề thi Toán. Bài toán hình có thể chiếm 2 – 3 điểm trong đề thi, trong đó câu hỏi khó phần hình học có thể chiếm 0,5 – 1 điểm.

Trước khi chính thức làm bài, học sinh nên vẽ hình ra giấy nháp trước rồi mới vẽ vào giấy thi. Bởi lẽ, riêng phần hình vẽ chính xác đã có thể giúp thí sinh giành được 0,25 – 0,5 điểm. Nếu không vẽ nháp trước, hình vẽ vào bài bị sai, bạn có thể mất điểm “oan” và bỏ lỡ cơ hội giành điểm 9 hoặc 10 tròn trĩnh. 

Hãy vẽ nháp trước khi làm câu toán Hình để tránh mất điểm “oan”.

2.Cách thi vào 10 đạt điểm cao – môn Văn

Môn Ngữ Văn thi lên cấp 3 cũng thường chọn hình thức tự luận. Cấu trúc đề thi thường bao gồm câu đọc hiểu, câu nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Khác với môn Toán, trường hợp đạt điểm 10 môn Văn rất hiếm. Song, kiếm điểm 9, thậm chí 9,5 ở môn thi này không phải hoàn toàn bất khả thi nếu bạn tham khảo một vài mẹo sau. 

2.1. Đọc kỹ đề, gạch chân từ/cụm từ quan trọng trong câu hỏi

Phân tích đề trước khi làm bài là một trong những bước vô cùng quan trọng quyết định điểm số của bạn ở môn Văn. Các sĩ tử có thể đánh mất 0,25 – 0,5 điểm nếu chẳng may sót ý, thậm chí mất 1/2 đến 2/3 tổng điểm của câu hỏi (đặc biệt là câu nghị luận) nếu lạc đề, từ đó để vuột điểm 9 môn Văn khỏi tầm tay.  

Luôn gạch chân các từ khóa quan trọng ở các câu hỏi trong đề thi Văn để không bị sót ý, lạc đề.

Cách thi vào 10 đạt điểm cao môn Văn nếu xét đến việc phân tích đề là nên dành ít nhất 10 phút đọc đề khoảng 3 lần:

  • Lần thứ nhất: Đọc để khoanh vùng kiến thức liên quan và vấn đề cần trả lời. 
  • Lần thứ hai: Đọc để phân loại mức độ khó – dễ của từng câu hỏi theo khả năng của mình, từ đó xác định trình tự làm bài. Sĩ tử nên ưu tiên làm các phần mà bản thân bạn cảm thấy tự tin và có thể làm trọn vẹn trước. Lưu ý, hãy kiểm tra xem câu trả lời đã đủ ý chưa và tránh lẫn lộn đáp án của các ý hỏi khác nhau vào cùng một phần trình bày. 
  • Lần thứ ba: Đọc để gạch chân đủ các từ khóa quan trọng trong câu hỏi, sau đó nháp ngắn gọn những ý cơ bản cần phải làm và lập dàn ý cơ bản cho câu nghị luận. 

2.2. Nên lập dàn ý trước khi viết

Với các câu nghị luận xã hội, nghị luận văn học, thí sinh khó có thể viết bài một cách mạch lạc và logic nếu không lập dàn ý trước khi viết. Sườn bài chặt chẽ là mắt xích đầu tiên giúp bạn viết đúng, đủ, rõ ràng và thuyết phục, từ đó giành điểm gần như tối đa ở câu hỏi nghị luận. 

Lập dàn ý trước khi làm câu nghị luận giúp bạn viết mạch lạc và logic hơn.

Trước mỗi câu nghị luận, hãy dành ra 5-10 phút lập dàn ý ra giấy nháp. Dàn ý không cần quá chi tiết vì có thể khiến bạn sa đà, mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, hãy cố gắng gọi tên được các luận điểm lớn và các luận cứ tương ứng. Sau khi hệ thống phần luận điểm, luận cứ, hãy dò lại một lần nữa để cắt bỏ ý thừa, bổ sung ý thiếu và kiểm tra xem dàn ý đã phục vụ đúng yêu cầu đề bài hay chưa. 

2.3. Ưu tiên đưa dẫn chứng mới, thời sự ở phần nghị luận xã hội

Bạn có thể không kiếm được điểm tuyệt đối ở câu nghị luận văn học vì điều này còn phụ thuộc vào năng lực cảm thụ của từng người. Song, bạn vẫn có khả năng chinh phục điểm tuyệt đối ở câu nghị luận xã hội nếu biết “đầu tư” cho phần dẫn chứng. Dù đề bài đề cập tới vấn đề thời sự nóng hổi hay vấn đề có ý nghĩa muôn thuở thì một cách thi vào 10 đạt điểm cao môn Văn cho sĩ tử là hãy chọn dẫn chứng mới nhất có thể. 

Vớt bất cứ vấn đề nào, xã hội hiện đại luôn xuất hiện những hiện tượng, sự kiện, con người mới liên quan đến vấn đề đó. Báo chí và mạng xã hội là kho thông tin khổng lồ để bạn khai thác dẫn chứng mang tính thời sự. Do vậy, đừng đưa vào bài viết những dẫn chứng cũ mèm, nhàm chán mà hãy cập nhật cái mới, cái nóng hổi của thời cuộc. Điều này sẽ giúp bạn gây ấn tượng với người chấm bài và giành điểm cao cho phần nghị luận xã hội. 

3.Cách thi vào 10 đạt điểm cao – môn Ngoại ngữ

Hầu hết địa phương trên cả nước đều chọn tiếng Anh là ngoại ngữ cố định cho kỳ thi lên lớp 10. Môn học này thường thi theo hình thức trắc nghiệm kết hợp tự luận với cấu trúc đề gồm câu hỏi về từ vựng, ngữ pháp, phát âm, giao tiếp,… Tương tự môn Toán, sĩ tử có thể kiếm điểm tuyệt đối ở môn Anh nếu “bỏ túi” một vài bí kíp sau đây. 

3.1. Nên làm phần tự luận đầu tiên

Tự luận chiếm khá nhiều điểm trong bài thi tiếng Anh. Phần này tuy không dài nhưng cần nghiền ngẫm lâu trước khi làm. Do vậy, sau khi đọc lướt đề, hãy bắt tay vào xử lý phần tự luận trong vòng 10 – 15 phút.

Nên làm câu hỏi tự luận trước khi làm phần trắc nghiệm tiếng Anh.

Thời lượng làm bài thi tiếng Anh thường chỉ kéo dài khoảng 45 – 60 phút tùy từng năm và từng địa phương. Vì vậy, sau khi làm xong câu hỏi tự luận, bạn có thể dành 10 phút cho câu đọc hiểu và toàn bộ thời gian còn lại cho phần trắc nghiệm cùng một ít phút kiểm tra lại toàn bộ bài làm. 

3.2. Chia đều thời gian cho các câu hỏi trắc nghiệm

Mỗi đề thi tiếng Anh thường có khoảng 30 câu hỏi. Nếu thời gian thi là 45 – 60 phút, bạn còn khoảng 20 – 30 phút cho phần trắc nghiệm sau khi trừ đi thời gian làm bài tự luận và đọc hiểu. Từ phép tính đó, suy ra bạn chỉ nên dành gần 1 phút cho 1 câu trắc nghiệm. Đừng sa đà quá lâu vào một câu hỏi vì rủi ro không kịp giờ để làm các câu còn lại và mất điểm một cách đáng tiếc. 

3.3. Làm bài đọc hiểu theo 5 bước

Bài đọc hiểu dạng điền từ là câu hỏi thường xuất hiện trong đề thi tiếng Anh lên lớp 10. Đây cũng là bài tập chiếm nhiều điểm, giúp phân hóa học sinh khá – giỏi ở mức điểm 9 – 10. 

Để chinh phục dạng bài này, bạn có thể tham khảo 5 bước thực hiện như sau:

  • Bước 1: Đọc lướt cả bài để nắm được chủ đề của bài
  • Bước 2: Đọc và phân loại đáp án, sau đó soi chiếu xem từ cần điền trong đoạn thuộc loại từ gì
  • Bước 3: Đọc kỹ đoạn văn, câu chứa câu hỏi và các câu liền kề trước và sau để tìm thông tin trả lời. Tiếp theo, đọc kỹ phần chứa những thông tin liên quan đến câu hỏi. 
  • Bước 4: Đọc kỹ cả bài để tìm ra thông tin cho câu trả lời nếu đã áp dụng các bước trên nhưng không hiệu quả. 
  • Bước 5: Chọn đáp án và kiểm tra mức độ phù hợp của đáp án đó với câu văn, đoạn văn một lần nữa. 

3.4. Cẩn thận khi tô phiếu trắc nghiệm

Phần trình bày bài làm, cụ thể là trình bày phiếu trắc nghiệm cũng quyết định đến khả năng giành điểm cao của thí sinh ở môn Anh. Nếu tô phiếu trắc nghiệm không cẩn thận như tô quá mờ, tô không kín ô, tô hơn một đáp án hoặc tẩy xóa không rõ ràng, bạn sẽ bị mất điểm do máy chấm không nhận dạng được câu trả lời. 

Máy chấm trắc nghiệm có thể không nhận đáp án nếu thí sinh tô ô trắc nghiệm không kín, tô mờ.

Hãy dùng bút chì 2B tô rõ và kín ô trắc nghiệm. Trước khi nộp bài, bạn nên kiểm tra kỹ phiếu trắc nghiệm lại một lần nữa. Nếu phát hiện ô nào tô mờ, tô chưa kín, hãy nhanh chóng trám vào để hoàn thiện bài thi một cách chỉn chu. 

Nhìn chung, để đạt điểm cao ở 3 môn Toán – Văn – Ngoại ngữ, bạn nên đọc kỹ và phân tích đề, xác định trình tự làm bài theo mức độ khó – dễ của câu hỏi và phân bổ thời gian hợp lý. Để cập nhật thêm bí kíp hay về cách thi vào 10 đạt điểm cao và chủ đề liên quan, phụ huynh và học sinh hãy theo dõi ngay chuyên mục Tin tức – Sự kiện của THCS và THPT FPT Hải Phòng nhé!

 

 

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 6, 7 VÀ LỚP 10 NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh