Ngày đăng: 25/05/2022

Ngày cập nhật: 31/05/2022

Tác giả: Phạm Hoa

Trang chủ » Cẩm nang học sinh » Mách sĩ tử cách lên kế hoạch ôn thi lên lớp 10 – 4 bước hiệu quả

Mách sĩ tử cách lên kế hoạch ôn thi lên lớp 10 – 4 bước hiệu quả

Ngày đăng: 25/05/2022

Ngày cập nhật: 31/05/2022

Tác giả: Phạm Hoa

Một kế hoạch ôn thi hiệu quả sẽ giúp sĩ tử có sự chuẩn bị chắc chắn về kiến thức để chinh phục kỳ thi chuyển cấp lên lớp 10. Cách lên kế hoạch ôn thi không quá phức tạp. Trước khi đi vào xây dựng lộ trình chi tiết, bạn cần đánh giá năng lực bản thân, xác định mục tiêu và sắp xếp thời gian biểu. Bốn bước lập kế hoạch ôn thi sẽ được trình bày cụ thể ở bài viết sau. 

1. Bước 1: Đánh giá năng lực bản thân

Bất cứ một kế hoạch nào nếu muốn hoàn thành đều cần phải trải qua khâu khảo sát để đánh giá và rút ra kết luận, làm tiền đề cho bước tiếp theo. Ở đây, đối tượng cần khảo sát chính là năng lực học tập của sĩ tử. 

Cơ sở đánh giá năng lực học tập của học sinh trước khi thi lên cấp 3 nằm ở chính điểm số của các bạn trong 4 năm học THCS, đặc biệt là năm lớp 9. Các kỳ thi cuối kỳ, cuối năm kết hợp với điểm tổng kết các môn học đã phần nào nói lên khả năng của thí sinh. Ngoài ra, bạn cũng có thể tự soi xét cả quá trình học tập của mình hoặc tham khảo ý kiến nhận xét từ phía thầy cô giáo xem năng lực bản thân nằm ở mức trung bình, khá hay giỏi đối với mỗi môn học. 

Điểm tổng kết môn học qua 4 năm THCS sẽ góp phần nói lên năng lực học tập của học sinh.

Bước đánh giá năng lực nói trên giúp các bạn học sinh xác định điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Sĩ tử sẽ nhận thức được mình vững mảng kiến thức nào, môn học nào và yếu mảng nào, môn nào để từ đó xây dựng kế hoạch củng cố điểm mạnh, bù đắp điểm yếu

Không phải thí sinh nào cũng có thể giỏi toàn diện với 3 môn thi chuyển cấp gồm Toán, Văn, Ngoại Ngữ. Có bạn chỉ học tốt 2/3 môn, thậm chí 1/3 môn. Với mỗi môn học, chẳng hạn môn Toán, có bạn mạnh phần hình học, nhưng thiếu chắc chắn ở phần đại số. Ở môn Văn, có học sinh tỏ ra xuất sắc ở phần nghị luận xã hội, nhưng nghị luận văn học cần trau dồi thêm. Những môn học hoặc mảng kiến thức còn chưa vững đòi hỏi sĩ tử dành nhiều thời gian ôn luyện hơn so với phần đã nắm chắc. 

Đánh giá năng lực học tập là cơ sở để học sinh xây dựng kế hoạch ôn thi củng cố điểm mạnh và dành nhiều thời gian hơn để bù đắp điểm yếu.

2. Bước 2: Xác định mục tiêu

Kế hoạch ôn thi sinh ra là để phục vụ một hoặc một vài mục tiêu nhất định. Ở đây, sĩ tử chuyển cấp cần chú ý đến 2 loại mục tiêu gồm điểm số và hiệu quả ôn tập. Mục tiêu càng cụ thể thì càng có giá trị trong việc tạo động lực ôn luyện cho các thí sinh. Không có mục tiêu, bạn sẽ dễ nản lòng. 

Như đã nói ở bước 1, đánh giá năng lực học tập là tiền đề cho bước tiếp theo trong lộ trình xây dựng kế hoạch ôn thi. Đây là cơ sở để bạn đặt ra mục tiêu về điểm số khi thi lên lớp 10. Nếu năng lực học tập ở mức khá – giỏi, thí sinh hoàn toàn có thể quyết tâm chinh phục điểm 9-10 mỗi môn. Còn nếu năng lực ở mức trung bình, bạn có thể đặt một mục tiêu vừa sức hơn như điểm 7-8 để không tạo áp lực tâm lý quá lớn cho chính mình. 

Mục tiêu điểm số tạo động lực ôn tập cho bạn mỗi ngày.

Song song với điểm số, học sinh còn cần quan tâm tới mục tiêu về hiệu quả ôn tập. Trong một khoảng thời gian nhất định, bạn phải hoàn thiện ôn luyện phần kiến thức nào và nắm vững lý thuyết gì/kỹ năng gì. 

Ví dụ, trong 1 tuần, sĩ tử cần cố gắng thuộc lòng thông tin về 5 tác giả và 5 tác phẩm đối với môn Ngữ Văn. Với tác giả, phải nhớ kỹ về tiểu sử, phong cách nghệ thuật, tác phẩm tiêu biểu. Với tác phẩm, phải hiểu hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa nhan đề, giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, biện pháp nghệ thuật và chi tiết nghệ thuật đặc sắc.

Phải có mục tiêu về hiệu quả ôn tập mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng để bạn nghiêm túc và kỷ luật với chính bản thân mình.

Khi xác định mục tiêu, sĩ tử cần đảm bảo mục tiêu đó thỏa mãn các yếu tố sau:

  • Tính vừa sức: Sau khi đánh giá năng lực và cảm thấy khả năng bản thân nằm ở mức trung bình – khá, lời khuyên là bạn không nên đặt mục tiêu quá cao như giành điểm 10 trọn vẹn cho mỗi môn. Bởi lẽ, mục tiêu quá cao dễ gây áp lực quá mức, gây căng thẳng và khiến bạn suy sụp tinh thần. Nên chọn mục tiêu điểm số vừa sức của mình, không quá thấp nhưng nằm ở tầm khiến bản thân thoải mái ôn thi và phù hợp với nguyện vọng đã đăng ký.
  • Tính cụ thể: Khi đặt mục tiêu, bạn cần phải trả lời câu hỏi để rút ra cách thức đạt được mục tiêu đó. Ví dụ, muốn đạt điểm 9 môn ngoại ngữ, bạn phải cụ thể hóa kế hoạch ôn tập như mỗi ngày học thuộc 10 từ mới, ôn tập 10 từ cũ, học thuộc 10 cấu trúc về thì, luyện 1 đề/ngày,…
  • Tính rõ ràng: Phải gọi tên được chi tiết bài học, kiến thức, lý thuyết cần nắm vững sau mỗi mốc thời gian ôn tập (1 ngày, 1 tuần, 2 tuần,…).

Kế hoạch ôn tập cần được cụ thể hóa bằng các mục tiêu cụ thể tương ứng với mốc thời gian rõ ràng.

3. Bước 3: Sắp xếp thời gian biểu

Đã có mục tiêu thì bạn phải lập quỹ thời gian để hiện thực hóa mục tiêu đó. Tuy nhiên, trong lộ trình ôn luyện, sự cân bằng giữa lao lực và nghỉ ngơi là điều rất quan trọng. Do đó, bạn cần sắp xếp thời gian hợp lý để đảm bảo hiệu quả ôn tập và bảo vệ sức khỏe của chính mình. 

Thời gian biểu trong quá trình ôn thi của sĩ tử cần thỏa mãn các yếu tố sau:

    • Tính toàn diện: Học sinh không thể dành trọn 24 tiếng một ngày chỉ cho việc ôn tập. Thời gian biểu của bạn phải bao gồm cả giờ rèn luyện sức khỏe, nghỉ ngơi, giải trí,… 
    • Tính hợp lý: Chia thời gian hợp lý cho các nhiệm vụ phải làm trong ngày, đồng thời, chọn khoảng thời gian ôn tập lý tưởng, tránh gây ảnh hưởng sức khỏe. Đừng học vào giờ cần nghỉ ngơi (sau 12 đêm) hay ăn uống khi quá bữa. Đừng dành phần lớn thời gian trong ngày để ngủ, chơi, giải trí khiến thời gian ôn tập bí bó hẹp. 
    • Tính cân bằng: Có học phải có thời gian ăn uống, rèn luyện, không vì học mà quên ăn, quên ngủ. Phải chia đều thời gian cho các môn học, không tập trung quá vào môn này mà coi nhẹ hoặc “học tủ” môn kia qua loa cho xong. 

Học sinh cần sắp xếp thời gian học tập – nghỉ ngơi – giải trí hợp lý để vừa đảm bảo hiệu quả ôn tập, vừa bảo vệ và rèn luyện sức khỏe dẻo dai chuẩn bị cho kỳ thi lên lớp 10 sắp tới.

4. Bước 4: Lập kế hoạch ôn thi theo giai đoạn

Sau khi đánh giá năng lực, xác định mục tiêu, lên thời gian biểu, học sinh có thể chuyển sang bước lập kế hoạch ôn thi theo giai đoạn. Bạn có thể tham khảo 4 giai đoạn sau để áp dụng vào lộ trình ôn tập thi lên lớp 10 của mình.

4.1. Giai đoạn 1: Củng cố

Nắm vững kiến thức cơ bản bằng cách hệ thống lại và học, hiểu lý thuyết theo sơ đồ tư duy, sau đó bắt đầu luyện đề ở mức dễ – trung bình và làm các dạng bài thường gặp. 

Vẽ sơ đồ tư duy là cách hệ thống lại kiến thức lý thuyết khoa học và dễ theo dõi nhất.

4.2. Giai đoạn 2: Mở rộng kiến thức nâng cao 

Nâng độ khó khi luyện đề bằng cách chọn thêm đề ở mức trung bình – khó từ các cuốn sách nâng cao, mạng internet, đồng thời, mở rộng phạm vi dạng bài để chinh phục các dạng bài tập khó hơn. Ngoài ra, tham khảo thêm cách giải bài mới từ bạn bè, thầy cô, học nhóm để trao đổi và thu nhận thêm kỹ năng mới. 

4.3. Giai đoạn 3: Tăng tốc

Tăng cường tần suất luyện đề, đẩy nhanh tốc độ giải bài (bấm giờ để kiểm soát thời gian làm bài) và nghiêm túc áp dụng các nguyên tắc làm bài thi đối với mỗi môn học vào lúc luyện đề như thi thật. 

Căn thời gian và áp dụng quy tắc làm bài thi như thi thật ở giai đoạn tăng tốc.

4.4. Giai đoạn 4: Rà soát lại kiến thức 

Giai đoạn này, học sinh không còn nhiều thời gian để luyện đề. Hãy đọc – hiểu lý thuyết lại một lần nữa, xem lại các đề đã luyện cùng cách giải bài và kỹ năng làm bài ở từng dạng bài. 

*

Nhìn chung, để lên được một kế hoạch ôn thi vào lớp 10 hoàn chỉnh và khoa học, học sinh phải xem xét năng lực bản thân, đặt mục tiêu và sắp xếp thời gian hợp lý, sau đó tiến hành chia giai đoạn ôn tập. Hy vọng với cách lên kế hoạch ôn thi đã hướng dẫn trong bài viết trên, sĩ tử có thể vẽ ra lộ trình ôn luyện phù hợp với mình và từng bước vững vàng chinh phục kỳ thi sắp tới. 

 

 

 

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 6, 7 VÀ LỚP 10 NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh