Ngày đăng: 20/05/2022

Ngày cập nhật: 20/05/2022

Tác giả: Phạm Hoa

Trang chủ » Cẩm nang học sinh » [MẸO HAY] Kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 môn Văn đạt điểm tốt

[MẸO HAY] Kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 môn Văn đạt điểm tốt

Ngày đăng: 20/05/2022

Ngày cập nhật: 20/05/2022

Tác giả: Phạm Hoa

Đề thi Văn vào lớp 10 bao gồm phần đọc hiểu và làm văn (nghị luận văn học, nghị luận xã hội). Thí sinh có thể áp dụng một số kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 môn Văn để đạt điểm tốt như hệ thống lại kiến thức cơ bản bằng sơ đồ, tránh “học tủ”, tích lũy thêm thông tin kiến thức từ sách báo.

1. Hệ thống lại kiến thức đã học theo cấu trúc đề

Hệ thống kiến thức đã học theo cấu trúc đề sẽ mang lại nhiều lợi ích cho học sinh như tạo cái nhìn bao quát về kiến thức đã học, từ đó xây dựng kế hoạch ôn tập hợp lý và đầy đủ hơn. Một trong những phương pháp cơ bản nhất để hệ thống lại kiến thức chính là vẽ sơ đồ tư duy.

Lượng kiến thức Văn học cần ghi nhớ khá lớn nên các em học sinh cần hệ thống một cách khoa học bằng sơ đồ.

1.1. Đọc hiểu (từ ngữ, ngữ pháp)

Phần đọc hiểu trong bài thi Văn lớp 10 thường chiếm 3 điểm, bao gồm 3 dạng câu hỏi là nhận biết, thông hiểu, vận dụng và kết nối với thực tiễn. 

Đầu tiên là câu hỏi nhận biết. Đây là dạng câu hỏi cấp độ dễ. Tuy nhiên, các em vẫn nên hệ thống các phương thức biểu đạt, cách thức trình bày đoạn văn – nhóm kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa để không bị mất điểm ở phần này. 

Tiếp đến là dạng câu hỏi thông hiểu, thí sinh sẽ dùng ngữ liệu ở đề bài để phân tích thông tin nhằm hiểu được thông điệp. Với dạng câu hỏi này, các bạn cần nắm chắc các biện pháp tu từ, phát hiện từ ngữ tu từ và chỉ ra tác dụng, sau đó đánh giá tài năng, thái độ, tình cảm của tác giả.

Cuối cùng là dạng câu hỏi vận dụng, kết nối thực tiễn yêu cầu thí sinh phải liên hệ được ý nghĩa bài đọc với cuộc sống hiện tại. Phần này đánh vào năng lực cảm thụ văn học của thí sinh. Các em chỉ có thể rèn luyện bằng cách đọc thêm nhiều sách bổ trợ nâng cao.

1.2. Nghị luận xã hội

Bài làm văn nghị luận xã hội thường chiếm 3 điểm trong cấu trúc đề thi. Dạng đề thi mở yêu cầu học sinh cần hệ thống các dạng bài đã được rèn luyện, ví dụ như những vấn đề cơ bản về tư tưởng đạo lý, hiện tượng đời sống xã hội, ý thức trách nhiệm của công dân,… để có hướng làm bài nhanh chóng và hiệu quả nhất.

  • Về tư tưởng đạo lý, các đề bài quen thuộc như uống nước nhớ nguồn, ở hiền gặp lành, suy nghĩ về đức tính khiêm tốn, lòng khoan dung,…
  • Về hiện tượng đời sống xã hội ví dụ như bạo hành trẻ em đang gây nhức nhối trong dư luận, hay tình trạng các bạn trẻ trở thành “anh hùng bàn phím” qua không gian mạng,…
  • Về ý thức trách nhiệm công dân trong nhiều hoàn cảnh dịch bệnh covid – 19, thời đại công nghệ 4.0,…

Đặc biệt, một bí kíp nho nhỏ cho các bạn trong quá trình ôn luyện phần nghị luận xã hội là thường xuyên đọc báo, theo dõi và cập nhật tin tức thời sự, nhất là các trang thông tin chính quy của Nhà nước nhằm xây dựng cho mình kho dẫn chứng phong phú và mới mẻ.

Chuyển động 24h – một chương trình thú vị và không nhàm chán cung cấp đầy đủ các thông tin nổi bật trong ngày, trong tuần là một nguồn khai thác dẫn chứng nghị luận xã hội đáng tin cậy.

1.3. Nghị luận văn học

Chiếm nhiều điểm nhất trong bài thi chính là phần làm văn nghị luận văn học. Ở một số địa phương, câu hỏi cho phần này trong đề thi có thể chiếm đến 4 điểm. 

Nghị luận văn học yêu cầu thí sinh cần nắm rõ các thông tin về tác giả, tác phẩm. 

  • Phần tác giả: Nội dung cần ghi nhớ bao gồm năm sinh, năm mất,  đề tài, phong cách nghệ thuật nổi bật, tên các tác phẩm chính … 
  • Phần tác phẩm: Nội dung cần ghi nhớ gồm hoàn cảnh ra đời, giá trị hiện thực, nhân đạo, các chi tiết và đoạn trích đặc sắc, biện pháp nghệ thuật tiêu biểu,…

Ngoài ra, học sinh cũng cần học thuộc lòng các bài thơ và một số câu/đoạn văn đặc sắc. Để hệ thống các thông tin này hiệu quả, thí sinh nên sử dụng sơ đồ tư duy hoặc lập bảng thống kê.

Khối lượng nội dung cần ghi nhớ ở phần nghị luận văn học tương đối lớn và phức tạp.

2. Không “học tủ” khi ôn tập môn Văn

“Học tủ” môn Văn là một hình thức ôn luyện trong phạm vi thu hẹp như ôn theo một chủ đề cụ thể, một vài dạng bài, một vài tác phẩm bằng cách loại trừ kiểu đề thi các năm trước đó.

Trong quá trình rèn luyện và ôn tập, các bạn học sinh tuyệt đối không nên “học tủ”. Bởi vì cách học này sẽ khiến bạn bị lúng túng và mơ hồ khi bị “tủ đè”. 

Một vấn đề quan trọng cần phải nhắc đến “học tủ” là phần lớn các bạn sẽ ôn luyện theo kiểu “học vẹt” khiến cho bài thi sơ sài, thiếu hụt kiến thức, dẫn đến kết quả không tốt. Thêm vào đó, cách học này sẽ vô tình hình thành nên thói quen xấu ở các bạn học sinh như chủ quan, không chuyên tâm ôn luyện,… ở giai đoạn hiện tại và cả kỳ thi ở các cấp học cao hơn.

“Học tủ” không được xem là một phương pháp ôn luyện đúng nghĩa cho các em học sinh.

Các em nên ôn luyện đầy đủ theo hệ thống chương trình giảng dạy. Hãy học kỹ từng dạng bài, từng tác phẩm, từng tác giả, không bỏ qua bất kỳ nhóm nội dung nào vì rất có thể, đề thi có thể đề cập đúng phần mà bạn bỏ qua. 

3. Luyện kỹ một dạng bài khi ôn tập, làm đề

Khi luyện đề môn Văn, có một phương pháp thực sự hiệu quả mà bất kỳ bạn học sinh nào cũng nên áp dụng là thực hành một dạng bài liên tục với các đề bài khác nhau. 

Ví dụ, bạn có thể chọn ra phần đọc hiểu từ 4 – 5 đề thi khác nhau và ôn luyện liên tục trong 4 – 5 ngày, sau đó chuyển sang ôn nghị luận văn học với khoảng thời gian tương tự. Cứ sau 2 tuần, bạn tiếp tục quay trở lại vòng ôn luyện cũ, nghĩa là lần lượt học phần đọc hiểu trong 5 ngày, rồi lại đến 5 ngày tiếp theo ôn tác giả – tác phẩm văn học. 

Việc rèn một dạng bài như một hành động thường xuyên kéo dài nhiều ngày sẽ giúp bạn nhớ kiến thức liên quan đến dạng bài đó lâu hơn. Đồng thời, bạn cũng sẽ hình thành tư duy phản xạ nhanh nhạy nếu gặp dạng bài tương tự với đề thi chính thức. 

4. Tăng cường đọc từ nhiều nguồn

Một bí kíp hiệu quả trong quá trình ôn thi Văn chính là đọc, tham khảo nhiều tài liệu, sách báo để tích lũy thêm kiến thức mới và đa dạng.

Việc đọc này sẽ giúp học sinh đa dạng hóa và làm “dày” vốn từ để có thể áp dụng vào bài nghị luận văn học của mình cho sinh động. Còn đối với bài nghị luận xã hội, đọc nhiều sẽ giúp bạn “bỏ túi” hệ thống dẫn chứng phong phú.

Nguồn tài liệu tham khảo để học sinh có thể đọc, học hỏi vô cùng rộng lớn và gần gũi, ví dụ như bài viết đạt điểm tốt của bạn bè, anh chị khóa trên, sách tham khảo, báo chí, truyền hình, mạng xã hội,… 

Bạn nên ưu tiên tiếp thu kiến thức từ báo chí, truyền hình, blog chính thống chất lượng cho các bài viết nghị luận xã hội. Trong khi đó, sách tham khảo của các nhà xuất bản uy tín lại là lựa chọn bạn nêu ưu ái nếu cần học hỏi về nghị luận văn học.

Những đầu sách phù hợp và chất lượng đảm bảo sẽ cung cấp kiến thức tốt hơn cho các em học sinh trong quá trình làm bài. 

5. Rèn kỹ năng đọc đề, quy tắc làm bài thi ngay từ khi ôn tập

Mài dũa kỹ năng làm bài từ lúc ôn tập cũng là yếu tố quan trọng để giúp thí sinh làm bài thi thật tốt. Các bạn cần xác định những câu, từ ngữ chứa yêu cầu về nội dung và cách thức làm bài đồng nghĩa với việc trả lời cho hai câu hỏi: Đề yêu cầu làm gì và làm như thế nào?, trong đó quan trọng nhất là yêu cầu viết đoạn.

Một bài thi môn Văn có những quy tắc ngắn gọn sau: 

  • Đọc kỹ đề, gạch chân các từ và cụm từ quan trọng trong câu hỏi.
  • Nên lập dàn ý trước khi viết bài để tránh sót ý và mất điểm.
  • Ưu tiên đưa dẫn chứng mới, mang tính thời sự vào phần làm văn nghị luận xã hội.

Thí sinh nên tìm hiểu, thực hành và rèn luyện các kỹ năng này hằng ngày để tạo thói quen và phản xạ nhanh nhạy khi làm bài thi thật và có cơ hội giành được số điểm cao. 

*

Tổng kết lại, có 5 kinh nghiệm ôn thi vào lớp 10 môn Văn gồm hệ thống lại kiến thức theo sơ đồ tư duy, không “học tủ”, luyện kỹ một dạng bài liên tục nhiều lần, tham khảo thêm tài liệu và nắm vững kỹ năng làm đề thi ngay từ khi ôn luyện. Mong rằng qua bài viết trên, bạn sẽ có phương pháp ôn luyện môn Văn hiệu quả hơn để thật tự tin trong kỳ thi chuyển cấp sắp tới.

 

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 6, 7 VÀ LỚP 10 NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh