Ngày đăng: 16/08/2022

Ngày cập nhật: 23/08/2022

Tác giả: Phạm Hoa

Trang chủ » Cẩm nang phụ huynh » Kỹ năng thế kỷ 21 – hành trang quan trọng của công dân thế kỷ mới

Kỹ năng thế kỷ 21 – hành trang quan trọng của công dân thế kỷ mới

Ngày đăng: 16/08/2022

Ngày cập nhật: 23/08/2022

Tác giả: Phạm Hoa

Để thích nghi và thành công trong một xã hội thay đổi chóng mặt của thế kỷ 21, kỹ năng mềm là yếu tố không thể thiếu. Do đó, mỗi công dân trong thời đại này cần trang bị, rèn luyện và bồi đắp kỹ năng thế kỷ 21 ngay từ khi còn là học sinh. Nếu muốn hiểu sâu hơn về khái niệm kỹ năng thế kỷ 21, quý phụ huynh và học sinh đừng bỏ qua bài viết sau đây. 

1. Kỹ năng thế kỷ 21 là gì?

Kỹ năng thế kỷ 21 là tập hợp các kiến thức, kỹ năng sống, kỹ năng nghề nghiệp, thói quen và thái độ quan trọng đối với sự thành công của con người trong thế giới ngày nay, đặc biệt đối với thế hệ thanh niên đang và sẽ học đại học, sắp trở thành lực lượng lao động và bước vào cuộc sống trưởng thành.

Thế kỷ 21 là thế kỷ của sự đổi mới, phát triển và trí tưởng tượng. Các ngành kỹ thuật – công nghệ, giáo dục, kinh tế,… đang có xu hướng tự động hóa. Cuộc cách mạng ấy – thứ mà thế giới đang trải qua – không thể tiếp tục được thực hiện nếu không có sự chuẩn bị từ thế hệ trẻ. Đó là thế hệ có khả năng tạo nên một thế giới phát triển rực rỡ và năng động hơn bây giờ trong tương lai. 

Muốn làm được như vậy, thế hệ trẻ cần trang bị kỹ năng cần thiết để thích nghi và thành công trong một xã hội kỹ thuật số thay đổi nhanh chóng. Việc trang bị kỹ năng thế kỷ 21 không chỉ mang lại lợi ích cho một cá nhân mà còn có tác động tích cực đến tập thể nơi cá nhân đó học tập, sinh hoạt và làm việc. 

Kỹ năng thế kỷ 21 góp phần quyết định thành công của công dân thời đại mới.

2. Các nhóm kỹ năng của thế kỷ 21

Kỹ năng thế kỷ 21 có thể được chia thành 3 nhóm gồm kỹ năng học tập, kỹ năng đọc – viết và kỹ năng sống. 

2.1. Nhóm kỹ năng học tập (4Cs)

Nhóm kỹ năng học tập gồm 4 kỹ năng liên quan đến tư duy, sáng tạo, cộng tác và giao tiếp.

2.1.1. Tư duy phản biện (Critical Thinking)

Có thể hiểu đây là một quá trình tư duy nhằm chất vấn các giả định hay giả thiết để từ đó khẳng định một nhận định nào đó là đúng hoặc sai, đôi khi đúng hay có phần đúng. Các kỹ năng cốt lõi của tư duy phản biện là quan sát, diễn giải, phân tích, suy luận, đánh giá, giải thích và tri nhận tổng hợp. 

Tư duy phản biện giúp bạn trở thành một người đọc, người viết, người nghe có trình độ, đồng thời, giúp bạn suy nghĩ sáng suốt hơn, nhận định vấn đề dựa trên lập trường và kinh nghiệm của bản thân, từ đó đưa ra được những quyết định đúng đắn. 

2.1.2. Sáng tạo (Creativity)

Đây có thể được hiểu là khả năng tạo ra sự đổi mới và đem lại lợi ích trong một phạm vi áp dụng cụ thể. Trong bối cảnh thế giới thay đổi liên tục, kỹ năng sáng tạo được đánh giá là vô cùng cần thiết trong việc tạo ra các giải pháp tối ưu hơn để giải quyết các vấn đề nan giải. Trong bất kỳ lĩnh vực nào, đổi mới cũng là chìa khóa cho khả năng thích ứng và thành công của một cá nhân, một tập thể.

Sáng tạo là “chìa khóa” để thích nghi trong bối cảnh xã hội thay đổi liên tục.

2.1.3. Hợp tác và làm việc nhóm (Collaboration)

Kỹ năng này đề cập đến khả năng học tập, làm việc, giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau trong một tập thể, từ đó thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của quá trình làm việc, tạo ra thành tựu cho cá nhân và tổ chức. Đây được coi là một trong những kỹ năng khó thực hiện nhất nhưng lại vô cùng quan trọng để con người hòa nhập với môi trường học tập/làm việc.

2.1.4. Giao tiếp (Communication)

Giao tiếp không chỉ là khả năng trình bày và truyền đạt ý tưởng của bạn cho người khác một cách chính xác, hiệu quả, đúng ngữ cảnh mà còn phải lắng nghe và thấu hiểu được quan điểm của người khác.

Giao tiếp là một trong những kỹ năng cơ bản cần thiết trong cuộc sống con người. Dù là trong công việc hay cuộc sống, con người luôn cần giao tiếp để hoàn thành các mục đích của bản thân mình. 

Giao tiếp là kỹ năng cơ bản trong cuộc sống nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện tốt.

2.2. Nhóm kỹ năng đọc – viết (IMT)

Nhóm kỹ năng đọc –  viết (IMT) là bộ kỹ năng được hình thành và rèn dũa qua quá trình tiếp xúc và thực hành dựa trên những tình huống thực tế.

2.2.1. Năng lực thông tin (Information literacy)

Kỹ năng này dùng để chỉ khả năng hiểu được các sự kiện, dữ liệu, số liệu thống kê và hình ảnh minh họa. Đây là khả năng làm chủ nguồn tin tức thông qua việc tiếp cận, xử lý thông tin, ứng xử/tương tác với thế giới thông tin, hiểu về các khía cạnh đạo đức, pháp luật của việc khai thác, sử dụng thông tin. Kỹ năng này cho phép bạn tách biệt thực tế khỏi hư cấu.

2.2.2. Kiến thức truyền thông (Media literacy)

Kỹ năng này đòi hỏi bạn phải hiểu về các phương tiện, cách thức và nền tảng xuất bản, lan truyền thông tin. Nhờ đó, bạn có thể nhận biết sự thật trong một thế giới thông tin đã bão hòa. 

2.2.3. Trình độ công nghệ (Technology literacy)

Có trình độ công nghệ nghĩa là bạn hiểu biết về máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại. Việc không hiểu biết về các kiến thức công nghệ sẽ khiến bạn trở nên lạc hậu và cảm thấy sợ sệt trước điều to lớn mà công nghệ mang lại.

Trong một xã hội mà thông tin bão hòa, tin fake tràn lan và công nghệ lên ngôi như xã hội thế kỷ 21 thì IMT là nhóm kỹ năng cực kỳ quan trọng.

2.3. Nhóm kỹ năng sống (FLIPs)

Nhóm kỹ năng sống sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin và tạo lập cách sống, cách làm việc chuyên nghiệp khi hòa nhập với môi trường toàn cầu. 

2.3.1. Khả năng linh hoạt (Flexibility)

Đây được hiểu là khả năng dễ dàng thích ứng và xoay chuyển tình huống phù hợp với hoàn cảnh, thể hiện khả năng tư duy và ứng phó. Người sở hữu kỹ năng này phải đánh giá được đâu là thời điểm cần giữ vững lập trường, đâu là lúc cần thay đổi cách vận hành trong công việc, xử lý tình huống và giao tiếp hằng ngày.  

2.3.2. Kỹ năng lãnh đạo (Leadership)

Kỹ năng lãnh đạo là kỹ năng thúc đẩy và truyền động lực cho cả nhóm để cùng hoàn thành chung một mục tiêu. Nó được thiết lập dựa trên nhiều kỹ năng khác như kỹ năng xây dựng mối quan hệ, phân tích và đánh giá thông tin, thiết lập mục tiêu, giải quyết vấn đề, quản trị xung đột, phân bổ và vận hành công việc hợp lý. 

Kỹ năng lãnh đạo của một người có thể quyết định thành công của một tập thể.

2.3.3. Khả năng chủ động (Initiative)

Chủ động là tự mình thực hiện, bắt đầu các công việc và kế hoạch. Đây là khả năng và thói quen góp phần quyết định thành công đích thực cho bạn, giúp bạn tìm thấy và nắm bắt nhiều cơ hội hơn, được đánh giá cao hơn, lường trước được nhiều rủi ro hơn nhưng cũng là một trong những kỹ năng rất khó để hoàn thiện và học tập. 

2.3.4. Kỹ năng làm việc hiệu quả (Productivity)

Kỹ năng làm việc hiệu quả đề cập đến khả năng tập trung và phân bổ thời gian hợp lý để nâng cao hiệu suất công việc.

2.3.5. Kỹ năng xã hội (Social skills)

Kỹ năng xã hội bao gồm tất cả những năng lực, khả năng của con người trong việc tạo ra sự thuận lợi khi tương tác và giao tiếp với người khác thông qua hành vi ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. Kỹ năng này không phải tự nhiên sinh ra đã có mà cần được rèn luyện trong suốt quá trình trưởng thành. 

Con người sống không thể tách rời tập thể, để hòa nhập với tập thể, bạn cần có kỹ năng xã hội.

3. Kỹ năng thế kỷ 21 đòi hỏi xây dựng lớp học thế kỷ 21 như thế nào?

Lớp học thế kỷ 21 là môi trường hiệu quả trong đó người học có thể phát triển các kỹ năng cần thiết cho công việc sau này và giáo viên sẽ là huấn luyện viên cho quá trình học tập đó. Trọng tâm của lớp học thế kỷ 21 là trải nghiệm của người học trong môi trường làm việc hiện đại và phát triển kỹ năng tư duy, kỹ năng giao tiếp hiệu quả, kỹ năng cộng tác, khả năng sử dụng công nghệ và các kỹ năng khác cần thiết cho môi trường làm việc thế kỷ 21.

Một lớp học thế kỷ 21 đạt chuẩn cần đáp ứng các yêu cầu sau:

  • Người học là trung tâm: Một lớp học thế kỷ 21 tiêu chuẩn là nơi mà người học đóng vai trò chủ động/tích cực, còn giáo viên đóng vai trò hướng dẫn. Giáo viên là những huấn luyện viên hơn là người thuyết giảng. Họ là nguồn hỗ trợ người học tư duy phản biện, khám phá và chiếm lĩnh khái niệm mới. Môi trường lớp học lấy người học làm trung tâm luôn đặt lợi ích của người học lên đầu, chú trọng vào nhu cầu, khả năng và phong cách học của mỗi học viên.
  • Cung cấp thiết bị máy tính cho học sinh: Máy tính là công cụ cần thiết đối với học sinh, sinh viên thế kỷ 21. Nó cung cấp cho người học công cụ để tìm kiếm thông tin online và thành thạo các kỹ năng công nghệ cần thiết, đồng thời, hỗ trợ giáo viên cải thiện bài giảng của họ.

Máy tính là thiết bị cần thiết giúp người học tiếp cận thông tin tốt hơn trong lớp học thế kỷ 21.

  • Tạo điều kiện cho học sinh học tập chủ động – tích cực: Người học có thể chủ động học tập bằng cách nghe, nói, đọc, viết và phản biện hoặc chủ động tham gia học nhóm, học trên máy tính, hoàn thiện bài tập của mình và tham gia các hoạt động học tập thú vị khác. Khi tham gia vào những hoạt động tích cực trong quá trình học tập, người học sẽ có khả năng chiếm lĩnh kiến thức mà họ đã tích lũy.
  • Học tập thích nghi: Trong lớp học nào cũng luôn có nhiều kiểu người học với sự khác biệt về khả năng, phong cách học tập. Phương pháp học tập thích nghi hiện đại cho người học sự tự do được học theo tốc độ riêng và theo cách mà họ thấy thoải mái nhất. Có nhiều phần mềm hỗ trợ cho học tập thích nghi để giáo viên sử dụng cải thiện việc học cho người học.
  • Môi trường lôi cuốn, hấp dẫn: Không gian lớp học không nên quá bó buộc và chật hẹp, cũng không nên quá trống trải. Lớp học thế kỷ 21 cần phải có những thiết bị hỗ trợ cho giảng dạy như máy chiếu, tivi,… Cách tiếp cận BYOD (Bring-Your-Own-Device tạm dịch: tự mang thiết bị) có thể được sử dụng để người học có thể đưa máy tính xách tay hay máy tính bảng đến lớp để cá nhân hóa việc học tốt hơn.

Lớp học thế kỷ 21 tiêu chuẩn thì cần đáp ứng được tiêu chí về thiết bị hỗ trợ như máy chiếu, tivi,…

  • Người học hiểu và thực hiện các quy định và quy trình: Môi trường học tập cần được thiết kế và tổ chức cẩn thận. Nguyên tắc, quy trình và những thông báo của hoạt động tiếp theo trong lớp học cần phải được treo ở nơi dễ nhìn thấy để người học chủ động trong lịch trình học. Người học liên tục tự nhắc nhở về mục tiêu và trách nhiệm của mình. Họ chủ động thực hiện theo quy định của lớp học và hiểu điều gì họ cần phải đạt được và đạt được bằng cách nào.
  • Tôn trọng lẫn nhau: Giáo viên và người học phải luôn tôn trọng nhau, đồng thời, người học cần hợp tác và tôn trọng bạn học cùng lớp. Giáo viên không chiếm dụng “sân khấu” lớp học và người học cũng không quên giá trị của giáo viên vì họ vẫn luôn nhận được sự hướng dẫn. Giáo viên cần khuyến khích người học tự tin phát biểu những ý kiến có giá trị. 
  • Người học chịu trách nhiệm việc học của họ: Người học cần có trách nhiệm và làm chủ quá trình học tập của mình. Giáo viên cần áp dụng chiến lược đa dạng để khuyến khích trách nhiệm của người học về sự tự tin và ra quyết định.
  • Đánh giá qua hiệu suất: Giáo viên nên thực hiện đánh giá hiệu suất thường xuyên. Có thể sử dụng quiz, dự án, các tiêu chí về hiệu quả học tập để xác định thành tích và nhu cầu của người học. Việc đánh giá nên tập trung vào khả năng và nhu cầu của người học.
  • Học tập cộng tác: Học nhóm giúp thúc đẩy phạm vi học tập và phát triển tư duy phản biện. Các hoạt động học tập cộng tác bao gồm kỹ năng viết cộng tác, dự án nhóm, cùng giải quyết vấn đề, tranh luận và nhiều hoạt động tương tự.

Học nhóm giúp người học rèn luyện được nhiều kỹ năng thế kỷ 21 như giao tiếp, tư duy phản biện, hợp tác,…

Hiểu rõ tầm quan trọng của kỹ năng thế kỷ 21 và yêu cầu đối với lớp học thế kỷ 21, trường THCS & THPT FPT Hải Phòng xây dựng môi trường học tập trải nghiệm, lấy người học là trung tâm, trao quyền chủ động cho học sinh, bồi dưỡng các kỹ năng thế kỷ 21 cho các em. 

Bên cạnh chương trình học tập chính khoá theo chuẩn của Bộ GD&ĐT, chương trình đào tạo tại THCS & THPT FPT Hải Phòng được thiết kế tăng cường các giờ học Tiếng Anh, CNTT và Kinh doanh. Chương trình tiếng Anh của trường không chỉ rèn luyện 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết mà còn rèn dũa tư duy phản biện (critical thinking) cho người học.

Phương pháp học tập tại THCS & THPT FPT Hải Phòng luôn đổi mới, đa dạng như thi online, kiểm tra bằng cách quay clip, thuyết trình, bán hàng, làm dự án,… giúp học sinh cảm thấy hứng thú và phát triển kỹ năng trong thế kỷ mới. Nhà trường định hướng giáo dục STEAM thông qua các môn học, hoạt động trải nghiệm liên quan đến Khoa học, Kỹ thuật, Công nghệ, Nghệ thuật, Toán học,… Nội dung học thiên về thực hành, học sinh được học theo dự án, làm việc nhóm, thuyết trình, nâng cao kỹ năng giao tiếp, tư duy tích cực và kỹ năng giải quyết vấn đề.

THCS & THPT FPT Hải Phòng đa dạng hóa phương pháp dạy học, đồng thời, xây dựng môi trường giàu trải nghiệm để học sinh phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng sống.

THCS & THPT FPT Hải Phòng cũng xây dựng chương trình phát triển cá nhân gồm 8 nội dung chính là Kỹ năng mềm, Kinh doanh, Hoạt động hướng nghiệp, Tham vấn tâm lý, Sự kiện, Lớp nghệ thuật, CLB, Liên kết quốc tế để mỗi học sinh có thể thích nghi tốt với xã hội, có trách nhiệm với cộng đồng. 

Các em còn được học tập, sinh hoạt trong một môi trường giàu trải nghiệm như trải nghiệm tự lập khi học bán trú tại trường để học được nhiều kỹ năng sống cơ bản; trải nghiệm qua các hoạt động giáo dục kỹ năng sống như workshop tư vấn tâm lý, kỹ năng sống cần thiết và hàng tá sự kiện do trường tổ chức cùng hoạt động ngoại khóa CLB,… 

Với cơ sở vật chất “xịn sò”, trang bị đầy đủ thiết bị máy móc hiện đại cần thiết cho công việc học tập và giảng dạy cùng chương trình đào tạo thiên về thực hành, kỹ năng, THCS & THPT FPT Hải Phòng là môi trường xứng đáng để các bậc phụ huynh gửi gắm con em nếu muốn sớm trang bị cho con những kỹ năng thiết yếu của thế kỷ 21. 

*

Kỹ năng thế kỷ 21 là hành trang quan trọng trên con đường phát triển của mỗi công dân trong thế kỷ mới. Do đó, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, thế hệ trẻ cần được hướng dẫn, rèn luyện những kỹ năng thiết yếu như tư duy phản biện, sáng tạo, giao tiếp, làm việc nhóm,… Những kỹ năng đó không chỉ có giá trị đối với công việc học tập hiện tại mà còn có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp và cuộc sống của các em trong tương lai. 

 

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 6, 7 VÀ LỚP 10 NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh