Ngày đăng: 21/05/2022

Ngày cập nhật: 21/05/2022

Tác giả: Phạm Hoa

Trang chủ » Cẩm nang học sinh » Thi vào lớp 10 cần chuẩn bị những gì – TOP 6 điều cần chuẩn bị

Thi vào lớp 10 cần chuẩn bị những gì – TOP 6 điều cần chuẩn bị

Ngày đăng: 21/05/2022

Ngày cập nhật: 21/05/2022

Tác giả: Phạm Hoa

“Thi vào lớp 10 cần chuẩn bị những gì?” hẳn là câu hỏi được nhiều phụ huynh và các sĩ tử quan tâm trước khi bước vào cột mốc quan trọng này. Những điều các bạn cần chuẩn bị không chỉ có kiến thức, kỹ năng hay sức khỏe, mà còn nhiều hơn thế nữa. Hãy cùng trường THCS & THPT FPT Hải Phòng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây nhé!

1. Chuẩn bị mục tiêu

Đây là bước chuẩn bị đầu tiên và mang tính “dài hạn” của các bạn học sinh. Các sĩ tử cần xác định mục tiêu trước khi ôn tập thi vào lớp 10 hoặc thậm chí là sớm hơn nữa để có lộ trình ôn thi thích hợp. Có 2 dạng mục tiêu cần chuẩn bị bao gồm trường cấp ba bạn muốn vào và điểm số bạn muốn đạt được.

1.1. Mục tiêu về ngôi trường cấp 3 bạn muốn vào

Trước tiên, bạn cần xác định trường cấp 3 bạn muốn vào là trường công lập hay dân lập: 

  • Nếu chọn trường công lập thì bạn cần xác định phương thức tuyển sinh là sẽ thi tuyển theo 3 môn cố định. Các trường sẽ căn cứ dựa trên điểm thi để tuyển sinh.
  • Nếu chọn trường dân lập thì hầu hết các trường nhóm này đều có phương thức xét tuyển. Họ sẽ căn cứ vào học bạ, thành tích học tập,… để tuyển sinh.

Trường THCS & THPT FPT Hải Phòng là một đơn vị rất linh hoạt trong việc xây dựng phương thức tuyển sinh cho khối lớp 10 của mình. Ngoài phương án xét điểm thi vào lớp 10 do Sở GD&ĐT Hải Phòng tổ chức, trường còn có phương thức xét tuyển dựa trên học bạ và thành tích học tập nổi bật. 

Trường THCS & THPT FPT Hải Phòng là trường dân lập linh hoạt hình thức xét tuyển để cánh cửa vào cấp 3 của các bạn học sinh rộng mở hơn.

Điều kiện xét tuyển của trường THCS & THPT FPT Hải Phòng được nêu cụ thể trong bảng sau: 

ĐIỀU KIỆN XÉT TUYỂN LỚP 10 TRƯỜNG THPT FPT HẢI PHÒNG

Xét học bạ THCS

Về học lực

Tổng điểm trung bình học kỳ môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ của 03 học kì liên tiếp trong năm lớp 8 và lớp 9 đạt từ 55 điểm trở lên.

Về hạnh kiểm

Xếp loại hạnh kiểm tất cả các năm học bậc THCS đạt từ loại Khá trở lên.

Xét thành tích học tập

Về thành tích

  • Học sinh đạt giải cấp quốc gia trở lên năm học lớp 9 về văn nghệ, thể dục thể thao, cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học.
  • Học sinh đạt giải khuyến khích trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi cấp Quận/Huyện/Thành phố trực thuộc tỉnh năm học lớp 9 các môn văn hoá, Tiếng Pháp, Khoa học kỹ thuật, Máy tính cầm tay, Giải Toán bằng tiếng Anh/tiếng Pháp, Tin học trẻ, Hùng biện tiếng anh, Thí nghiệm thực hành (Vật Lý, Hóa Học, Sinh Học).

Về hạnh kiểm

Xếp loại hạnh kiểm tất cả các năm học bậc THCS đạt từ loại Khá trở lên.

Việc linh hoạt áp dụng thêm hình thức xét tuyển giúp học sinh phần nào giảm bớt gánh nặng và áp lực của việc thi cử, từ đó cánh cửa vào cấp ba sẽ nhẹ nhàng hơn cho các bạn.

Bên cạnh đó, các thí sinh cần xác định mình muốn theo đuổi trường THPT thông thường hay trường THPT chuyên:

  • Nếu là trường THPT thường: Các bạn học sinh sẽ tham dự kỳ thi chuyển cấp theo kế hoạch của sở GD từng địa phương. Điểm thi của các thí sinh sẽ là căn cứ để được tuyển vào các trường cấp 3 thông thường. 
  • Nếu là trường chuyên: Các bạn học sinh thường sẽ phải trải qua hai vòng Sơ tuyển và Thi tuyển. Ở vòng Sơ tuyển, các trường chuyên sẽ xem xét về thành tích học tập trong quá trình ở trường THCS. Đến vòng Thi tuyển, bên cạnh các môn thi bắt buộc trong kỳ thi chuyển cấp, các thí sinh còn cần thi thêm các bài thi môn chuyên theo phương án của mỗi trường. 

1.2. Mục tiêu về điểm số

Mục tiêu về điểm số cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình ôn tập của các học sinh:

  • Nếu chỉ đặt mục tiêu điểm trung bình khá thì các bạn chỉ cần ôn tập chắc chắn phần kiến thức cơ bản, không cần dành quá nhiều thời gian cho các câu hỏi nâng cao. Bởi vì trong đề thi của kỳ thi chuyển cấp, tỷ lệ các câu khó chỉ chiếm khoảng 1-2 điểm mà thôi.
  • Nếu đặt mục tiêu điểm giỏi thì bên cạnh nắm chắc kiến thức cơ bản, các sĩ tử còn phải dành thêm thời gian để luyện các dạng bài nâng cao. Tuy nhiên trong quá trình ôn tập, các bạn cần cân đối thời gian giữa hai mảng kiến thức nâng cao – cơ bản, không nên quá sa đà vào các bài khó mà bỏ bê những nội dung căn bản, trọng tâm.

Mục tiêu điểm số giúp học sinh vạch ra quá trình ôn tập rõ ràng hơn.

2. Chuẩn bị kiến thức, kỹ năng

Sau khi xác định được mục tiêu, bước quan trọng không thể thiếu cho các sĩ tử là chuẩn bị kiến thức và kỹ năng thật đầy đủ để làm hành trang vững vàng bước vào kỳ thi. 

2.1. Kiến thức cho các môn thi

Nắm chắc kiến thức các môn thi sẽ giúp các bạn học sinh tự tin bước vào kỳ thi chuyển cấp. Bảng dưới đây tổng hợp một số kiến thức lớn cho môn Toán, Văn, Anh mà các bạn có thể tham khảo để ôn tập: 

Môn thi

Chuyên đề

Kiến thức cần nhớ

Toán

Đại số

  • Rút gọn và tính giá trị biểu thức
  • Phương trình và hệ phương trình, bao gồm: 
  • Phương trình bậc nhất, bậc hai 
  • Hệ phương trình bậc nhất 2 ẩn, hệ phương trình đưa về phương trình bậc hai, định lý Viét
  • Giải bài toán bằng cách lập phương trình, hệ phương trình
  • Hàm số và đồ thị: Vẽ đồ thị hàm số, lập phương trình đường thẳng với điều kiện cho trước, xác định giao điểm hai đồ thị hàm số.
  • Lập phương trình: Áp dụng trong  dạng bài tập về chuyển động, hình học, xác suất, vật lý, hoá học, bài toán thực tế

Hình học

  • Hệ thức lượng trong tam giác vuông
  • Tứ giác nội tiếp, hình vuông, hình thoi, hình bình hành
  • Góc và đường tròn: Tiếp tuyến đường tròn, góc nội tiếp, độ dài cung tròn, diện tích hình quạt, liên hệ giữa đường kính và dây cung.

Ngữ Văn

Đọc hiểu

  • Tác giả văn học: Năm sinh, năm mất, phong cách nghệ thuật, một số tác phẩm tiêu biểu,…
  • Tác phẩm văn học: Ý nghĩa nhan đề, giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo, chi tiết và biện pháp nghệ thuật đặc sắc. 
  • Văn bản: Thuộc lòng văn bản thơ, thuộc lòng một số đoạn trích, câu văn tiêu biểu trong văn bản văn xuôi. 
  • Từ vựng: Thành ngữ, trường từ vựng, từ đơn, từ phức, khởi ngữ,…
  • Ngữ pháp: Phương thức biểu đạt, giá trị của biện pháp tu từ, các phương châm hội thoại, các thành phần biệt lập, cách thức trình bày đoạn văn,…

Nghị luận xã hội

  • Phân biệt được dạng bài và cách làm bài nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý hay nghị luận xã hội về hiện tượng xã hội
  • Thuộc lòng một số dẫn chứng mới mang tính thời sự về các vấn đề đời sống. 

Nghị luận văn học

  • Phần tác giả: Nội dung cần ghi nhớ bao gồm năm sinh, năm mất,  đề tài, phong cách nghệ thuật nổi bật, tên các tác phẩm chính … 
  • Phần tác phẩm: 
  • Hoàn cảnh ra đời của tác phẩm
  • Đối với văn xuôi, các em cần ghi nhớ hệ thống nhân vật, cốt truyện, nội dung cơ bản. 
  • Đối với thơ, cần đọc thuộc và nắm được mạch cảm xúc xuyên suốt tác phẩm của tác giả
  • Giá trị hiện thực, nhân đạo, các chi tiết và đoạn trích đặc sắc, biện pháp nghệ thuật tiêu biểu, tư tưởng của tác giả thể hiện trong tác phẩm…

Tiếng Anh

Ngữ pháp

  • Thì (Tense): Hiện tại đơn, hiện tại tiếp diễn, hiện tại hoàn thành, hiện tại hoàn thành tiếp diễn, quá khứ đơn, quá khứ tiếp diễn, quá khứ hoàn thành, quá khứ hoàn thành tiếp diễn, tương lai đơn, tương lai tiếp diễn, tương lai hoàn thành, tương lai hoàn thành tiếp diễn.
  • Các dạng thức của động từ
  • Động từ khiếm khuyết
  • So sánh trong tiếng Anh
  • Các loại câu: Câu bị động, câu gián tiếp, câu giả định (câu điều kiện, câu ước,…)
  • Đảo ngữ
  • Mệnh đề: Mệnh đề quan hệ, mệnh đề chỉ kết quả, mệnh đề chỉ nguyên nhân, mệnh đề chỉ mục đích, mệnh đề chỉ tương phản

Từ vựng

  • 5 loại từ chính: Danh từ, động từ, tính từ, trạng từ, giới từ
  • 4 loại từ phụ: Từ hạn định, đại từ, liên từ và thán từ

Phát âm

  • Quy tắc phát âm đúng: Cách phát âm đuôi ED, S, ES
  • Trọng âm của từ

2.2. Kỹ năng làm bài thi

Để có một bài thi với kết quả tốt, thì việc các thí sinh nắm chắc kiến thức là chưa đủ. Các bạn cần phải có kỹ năng, chiến thuật làm bài hiệu quả. Sau đây là một số kĩ năng hữu ích trong phòng thi mà các thí sinh nên “bỏ túi” cho ba môn Toán, Ngữ Văn và Tiếng Anh:

  • Môn Toán:
  • Tuân theo nguyên tắc “câu dễ làm trước, câu khó làm sau”
  • Phân bổ thời gian hợp lý khi làm bài: 
    • Đọc đề: Các bạn nên dành ra 5-10 phút đầu tiên để đọc kỹ đề
    • Làm bài: Thời gian dành cho các câu hỏi được phân bổ tương đối trên thang điểm 10
    • Kiểm tra lại bài: Mỗi lần làm xong câu hỏi, bạn hãy dành 1-2 phút để kiểm tra lại bài và dành ít nhất 5 phút cuối giờ để kiểm tra lại toàn bộ bài làm và sửa chữa những sai sót.
  • Nên vẽ nháp đối với những câu toán hình trước khi vẽ vào bài thi, để tránh những sai sót và “mất điểm oan”.
  • Môn Ngữ Văn:
  • Đọc kỹ đề và gạch chân những yêu cầu quan trọng trong câu hỏi để phân tích đề.
  • Nên lập dàn ý trước khi viết những bài nghị luận văn học/nghị luận xã hội để mạch văn logic, chặt chẽ và đủ ý.
  • Ưu tiên những dẫn chứng mới, mang tính thời sự để mang phàn nghị luận xã hội.
  • Môn Tiếng Anh:
  • Nên làm phần tự luận đầu tiên, vì đây là phần chiếm nhiều điểm nhưng không tốn quá nhiều thời gian.
  • Chia đều thời gian cho các câu hỏi trắc nghiệm. Các sĩ tử không nên quá chủ quan với những câu dễ và càng không nên dành quá nhiều thời gian cho những câu ở mức độ khó/nâng cao.
  • Tô phiếu trắc nghiệm đậm rõ và kín ô đáp án, nếu có sửa đáp án thì cần tẩy sạch phần đã tô trước đó. 

Xem thêm: Cách thi vào lớp 10 đạt điểm cao.

Kỹ năng làm bài cũng đóng vai trò quan trọng để đạt hiệu quả khi đi thi.

3. Chuẩn bị giấy tờ

Khi thi lên lớp 10, các bạn học sinh cần chuẩn bị hai loại giấy tờ: chứng minh nhân dân/căn cước công dân và thẻ dự thi. Yêu cầu cụ thể của hai loại giấy tờ này như sau:

  • Chứng minh nhân dân/căn cước công dân: Ảnh chụp thí sinh cần phải rõ ràng, không mờ nhòe và các thông tin phải đảm bảo chính xác.
  • Thẻ dự thi: Không nhăn, rách hay bị viết vẽ, bôi xóa lung tung. Các thông tin trong thẻ dự thi phải rõ ràng và chuẩn xác.

Xem thêm: Đi thi vào lớp 10 cần mang những gì? 

4. Chuẩn bị dụng cụ học tập và vật dụng hỗ trợ

Chuẩn bị dụng cụ học tập và vật dụng hỗ trợ đầy đủ sẽ giúp các sĩ tử yên tâm và phòng thi và không lo gặp trở ngại trong quá trình làm bài.

4.1. Dụng cụ học tập

Các món dụng cụ học tập cụ thể sẽ phụ thuộc vào từng môn thi của thí sinh. Dưới đây là danh sách các dụng cụ cần thiết các bạn cần chuẩn bị: 

  • Bút viết: Các sĩ tử sẽ cần đến bút viết trong tất cả các bài thi của mình. Do đó, hãy mang theo ít nhất 2 chiếc bút cùng màu mực vào phòng thi để tránh trường hợp bút tắc mực hay hư hỏng.
  • Com-pa, ê-ke, thước đo độ: Là vật dụng phục vụ cho hoạt động vẽ hình trong môn toán. Các bạn hãy mang mỗi thứ 1 chiếc và đảm bảo các vạch đo trên đó chính xác và rõ ràng.
  • Máy tính cầm tay: Thí sinh có thể mang vào phòng thi ít nhất 1 chiếc máy tính không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ như Casio FX 570 MS, FX 570 ES Plus và FX 570VN Plus,… Máy tính được sử dụng cho những môn cần tính toán như Toán, Sinh học, Vật lý hay Hóa học.
  • Bút chì và tẩy: Đây là bộ đôi thường sử dụng cho môn Toán (để vẽ hình) và Tiếng Anh (để tô phiếu trắc nghiệm). 
  • Atlat địa lý Việt Nam: Atlat là tài liệu chỉ dành riêng cho môn Địa lý. Các em nên mua loại Atlat do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành, đồng thời, không được đánh dấu hay thêm bất cứ nội dung gì trong đó.

Mang theo đầy đủ dụng cụ giúp các sĩ tử yên tâm làm bài thi hơn.

4.2. Vật dụng hỗ trợ

Bên cạnh những dụng cụ học tập, các thí sinh cũng đừng bỏ qua một số vật dụng hỗ trợ, hữu dụng cho quá trình làm bài của các bạn như:

  • Đồng hồ đeo tay: Giúp thí sinh phân bổ thời gian cho các câu hỏi hợp lý và kiểm soát tốc độ làm bài hiệu quả. 
  • Nước uống:  Giúp các thí sinh giải khát và có thể làm dịu tâm trạng nếu các bạn quá căng thẳng.

Đồng hồ đeo tay giúp các bạn thí sinh phân bổ thời gian làm bài hợp lý.

5. Chuẩn bị tâm lý và sức khỏe

Yếu tố cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó là các bạn thí sinh cần chuẩn bị tâm lý vững vàng và một cơ thể khỏe mạnh để đảm bảo phát huy được toàn bộ khả năng trong các bài thi. 

Trước và trong kỳ thi, các bạn nên cố gắng tạo cho mình một tâm lý thoải mái, không quá căng thẳng lo lắng. Để làm được điều đó, bạn có thể tham khảo một số mẹo sau:

  • Trước kỳ thi 1-2 ngày, các bạn dừng việc ôn tập lại để tinh thần cảm thấy thoải mái và không bị áp lực.
  • Vào các buổi thi, hãy đi sớm trước giờ thi khoảng 30 phút để có thời gian nghỉ ngơi và làm các thủ tục trước khi thi.
  • Sau khi thi xong từng môn thì không nên kiểm tra đáp án ngay mà hãy “quên” nó đi, dành sự quan tâm và tập trung cho các môn thi tiếp theo.

Hãy tạo cho mình tâm lý thoải mái trong mỗi buổi thi.

Không ít sĩ tử cứ vào mùa thi là lại tuột dốc sức khỏe vì quá tập trung vào quá trình ôn luyện và lơ là chế độ ăn uống và nghỉ ngơi. Các phụ huynh và học sinh cần chú ý những điểm sau để chuẩn bị một cơ thể khỏe mạnh, có thể đương đầu với cột mốc quan trọng này:

  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh: Không chỉ cần ăn uống đầy đủ trong các bữa chính, các sĩ tử cần bổ sung các bữa phụ để bổ sung dinh dưỡng. 
  • Cân đối giữa thời gian học tập, ôn luyện và nghỉ ngơi. Các bạn học sinh dễ có tâm lý là học càng nhiều càng tốt dẫn đến thời gian nghỉ ngơi không đảm bảo. Tuy nhiên, các bạn không nên ép não làm việc quá mức, đồng thời, hãy dành thời gian ngủ đầy đủ để cơ thể được nạp năng lượng sau ngày dài vất vả.
  • Vận động nhẹ nhàng sau các giờ học căng thẳng để cơ thể thư giãn, máu lưu thông tốt giúp bộ não làm việc hiệu quả hơn.

*

Như vậy, câu trả lời cho băn khoăn “thi vào lớp 10 cần chuẩn bị những gì” là 5 yếu tố: mục tiêu, kiến thức – kỹ năng, giấy tờ cần thiết, dụng cụ học tập và tâm lý – sức khỏe. Hy vọng những thông tin trong bài viết hữu ích cho học sinh trong hành trình chuẩn bị bước vào cấp 3. Hãy theo dõi ngay chuyên mục Tin tức – Sự kiện của THCS và THPT FPT Hải Phòng để cập nhật thêm các thông tin hữu ích về kỳ thi chuyển cấp lên lớp 10 nhé!

 

 

ĐĂNG KÝ XÉT TUYỂN VÀO LỚP 6, 7 VÀ LỚP 10 NĂM HỌC 2024 - 2025

  • Đăng ký nhận thông tin tuyển sinh